(HNMO) – Trong phiên thảo luận tổ sáng nay, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp nhưng phải kèm theo những điều kiện nhất định.
Khoản 2, Điều 170 của Luật DN quy định, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang tổ chức, quản lý, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quyền chọn đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật DN trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/7/2006 hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký lại, DN chỉ được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư.
Tính đến ngày 1/7/2011, thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, khoảng 3.000 trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký lại. Còn tồn tại gần 3.000 DN chưa thực hiện việc này.
Trong phiên thảo luận tổ sáng nay, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp nhưng phải kèm theo những điều kiện nhất định.
Tiếp dòng thảo luận tại đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình khẳng định lần nữa, việc sửa đổi phải kèm theo điều kiện. Quốc hội chấp thuận sửa luật để "vớt" những DN năng lực có hạn nhưng vẫn mong muốn đầu tư, tự giác tuân thủ, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, còn không thì kiên quyết cho giải thể.
“Các điều kiện kèm theo này là DN có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, đầu tư hiệu quả ở Việt Nam, chấp hành pháp luật, không chuyển giá, không có vi phạm về môi trường... Chúng ta phải nâng giá trị của chúng ta lên, không vì cái nhỏ, khó khăn tạm thời mà dễ dãi”, đại biểu Bình nói.
|
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của các đại biểu Nguyễn Minh Quang, Phạm Huy Hùng.Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung điều 170 là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, Quốc hội cần quy định thời hạn nhất định cho phép đăng ký lại, không thể là vô thời hạn.
“Về mặt pháp lý, kể từ khi hết hạn giấy phép đầu tư, DN đó không còn tồn tại. Dự thảo cần đưa thêm điều kiện về thời gian gia hạn, đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng, giảm thiểu tối đa các giấy tờ, tài liệu không cần thiết, giúp DN dễ dàng đăng ký lại”, đại biểu Quang đề xuất.
Đại biểu Phạm Huy Hùng nói thêm, qua việc sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật DN, chúng ta vừa tạo điều kiện cho các DN có nguyện vọng được đăng ký lại nhưng cũng là lúc để các cơ quan chức năng rà soát và cơ cấu lại các DN nước ngoài cho phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển của đất nước.
Tại tổ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Du Lịch cũng nhất trí với việc sửa đổi điều luật này bởi theo ông, những vướng mắc trong việc đăng ký lại là do quá trình chúng ta thay đổi luật pháp từ Luật Đầu tư sang Luật DN, tạo nhiều phát sinh. Do đó, việc sửa đổi là cần thiết, thể hiện sự hỗ trợ của nhà nước về dịch vụ thủ tục hành chính công cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại phản đối việc sửa đổi, bổ sung điều luật này.
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ không nên để Quốc hội “chạy theo việc nước đến chân mới nhẩy”, bởi việc sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật DN không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thêm nữa, điều quan trọng hơn là trong báo cáo giải trình, Chính phủ không nêu được rõ những ảnh hưởng, hệ luỵ của việc không sửa đổi, bổ sung điều 170 và lý do tại sao các DN không thực hiện việc đăng ký lại trong những năm qua?
“Bản chất của nguyên nhân không được nêu rõ. Theo tôi, lỗi thuộc về cả cơ quan theo dõi DN không triển khai tốt việc tuyên truyền tới các DN và các DN cũng không thống nhất giữa các bên liên danh nên không triển khai, nhưng cũng không loại trừ có những DN coi thường luật pháp. Vì vậy, chưa đến mức cần sửa”, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nói.
Theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, hết thời hạn, DN phải thanh lý hợp đồng cũ, qua đó các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể đánh giá chính xác kết quả hoạt động của DN đó. Nếu DN đã trót không đăng ký lại mà vẫn muốn tiếp tục hoạt động thì hoàn toàn có thể làm thủ tục thành lập mới.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), cũng có chung đánh giá với đại biểu Sơn rằng, cơ sở để đưa ra sửa đổi, bổ sung điều 170 là không rõ. Theo ông, chưa nên sửa điều 170 và chờ đến năm 2014, khi Quốc hội sửa đổi Luật DN thì sẽ sửa luôn.
Cũng trong phiên làm việc tại tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy; Việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.