(HNM) - Đây là khẳng định của ông Dương Đức Thái, Giám đốc BQL dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Hànộimới vào chiều 4-5 xung quanh thông tin có hay không việc một đoạn của Hoàng thành Thăng Long bị xúc đổ khi thi công dự án đường Văn Cao - Hồ Tây.
Ông Thái cho biết thêm: "Tại dự án trên, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu khi thi công phải quan sát và nếu có tìm thấy di vật phải báo cáo về Ban Quản lý. Hằng ngày, lực lượng giám sát thi công cũng phải có trách nhiệm báo cáo việc nêu trên nhưng đến nay chúng tôi chưa tìm thấy di vật nào cả"...
Trong khi đó, thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí đã có phản ánh về việc phát hiện một đoạn Hoàng thành Thăng Long đã bị xúc đổ trong quá trình thi công đường Văn Cao - Hồ Tây. Theo thông tin chúng tôi có được thì một số nhà sử học sau khi khảo sát thực địa đã cho rằng: Khu vực thi công dự án đường này đã đụng phải Hoàng thành theo bản đồ Hồng Đức năm 1490 (hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội) và nhiều khả năng đó là Hoàng thành thời Lê. Ngoài ra, cũng phát hiện tại đây một số di vật có liên quan là các mảnh gốm, vật liệu kiến trúc.
Được biết, cách đây 2 tháng, Sở Giao thông Vận tải đã có Văn bản số 614/CV-GTVT gửi Bộ VH-TT&DL nêu rõ: Trong danh mục các di sản văn hóa quốc gia hiện nay không có tên đường Hoàng Hoa Thám (điểm đầu của dự án nêu trên - PV) là di sản văn hóa. Quá trình triển khai thi công từ trước đến nay không phát hiện bất kỳ một vật phẩm nào liên quan đến di sản văn hóa dân tộc... Trong khi đó, ngày 9-4-2010, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có Công văn số 753/VHTT&DL-BQLDT gửi UBND TP Hà Nội "Về việc quy hoạch tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám" có nêu: Ngày 26-4-2006, BQL dự án giao thông đô thị - Sở GTCC Hà Nội (nay là Sở Giao thông Vận tải) có Công văn số 796/BQL gửi UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ thông báo dự án xây dựng đường Đội Cấn - Hồ Tây giai đoạn 2 (đoạn Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây). Thông báo trên có gửi kèm theo quyết định phê duyệt dự án và bản vẽ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây, một đoạn khá dài phố Hoàng Hoa Thám sẽ bị san phẳng không còn dấu vết, trùm lên đó là một phố mới có chiều rộng 53,5m.
Thời điểm này, Sở GTCC không có văn bản hỏi ý kiến Sở VH-TT&DL Hà Nội. Do vậy, đến năm 2009, Sở Giao thông Vận tải triển khai dự án nêu trên khi chưa có ý kiến của ngành văn hóa đã gây nên những ý kiến không đồng thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong nhân dân. Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo BQL Di tích danh thắng kiểm tra hiện trường cho thấy: Việc triển khai dự án đường Văn Cao - Hồ Tây bằng máy xúc cắt ngang thân đường Hoàng Hoa Thám với chiều rộng đoạn bị cắt lên tới gần 10m, chiều cao 3m. Văn bản cũng nêu rõ: Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức năm 1490, một trong những tư liệu quan trọng minh chứng cho sự tồn tại của thành Đại La, đó là dấu tích dưới mặt đường Hoàng Hoa Thám. Thành là một di tích gắn liền với lịch sử ngàn năm Thăng Long nên trong quy hoạch tổng thể thành Thăng Long các nhà khoa học đều đánh giá cao vai trò bảo tồn của vòng thành ngoài (tức đường Hoàng Hoa Thám hiện nay), nhất là trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do đó, Sở VH-TT&DL có đề nghị UBND TP có ý kiến chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải trước khi thi công cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thám sát khảo cổ, nghiên cứu đề xuất phương án giải quyết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.