Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thiếu hàng hóa trong những ngày Tết Nhâm Thìn

L.H| 27/01/2012 11:09

(HNMO) – Tin từ Bộ Công thương cho biết, nhìn chung, tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, việc dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh

Theo đó, với mặt hàng chính như lương thực, trong những tháng cuối năm 2011, với nguồn cung khá dồi dào, giá lúa gạo trên thị trường ổn định, ở mức thấp, một số địa phương ĐBSCL giá lúa giảm. Tại hầu hết các địa phương, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị, đảm bảo lượng thóc gạo dự trữ và chủ động có phương án cung ứng cho thị trường khi giá tăng cao hoặc có đột biến. Chính vì vậy, giá lúa gạo trên thị trường Tết tương đối ổn định (đối với lúa gạo thường), riêng một số loại gạo tẻ chất lượng cao và nếp có mức tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp Tết. Giá gạo và nếp những ngày giáp Tết ở miền Bắc phổ biến ở mức: Gạo tẻ thường 11.500 – 12.500 đồng/kg; Gạo tẻ chất lượng cao 15.000 – 21.000 đồng/kg; Gạo nếp 23.000 – 27.000 đồng/kg.

Dự báo những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, do lượng dự trữ lúa gạo vẫn dồi dào, xuất khẩu không cao, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sau Tết nên giá lúa gạo sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ.

Với mặt hàng thực phẩm, do thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, người nông dân tích cực tái đàn do được giá bán.. là những nhân tố quan trọng giúp cho nguồn cung thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, giá các loại thực phẩm ổn định vào tháng 11 và tháng 12 năm 2011.

Sang tháng 1 năm 2012, theo quy luật hàng năm, do biến động tâm lý dịp Tết và thời tiết rét đậm nên giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm có diễn biến tăng nhẹ so với tháng trước Tết (từ 10-15% tùy loại) và tăng mạnh so với Tết năm 2011(từ 15 - 45%).

Khác với diễn biến mọi năm, nhu cầu và giá mặt hàng thực phẩm tươi sống không tăng trong tuần trước 23 Tết, thậm chí giá mặt hàng thịt lợn còn giảm từ 2.000 – 5.000đ/kg tùy chủng loại tại một số tỉnh phía Nam. Nhu cầu đối với các loại thịt tươi sống, thực phẩm chế biến chỉ thực sự tăng cao trong 2-3 ngày cận Tết nhưng do công tác chuẩn bị tốt và nguồn hàng hóa dồi dào nên giá ngoài thị trường tự do chỉ tăng khoảng 10-15% so với những ngày trước Tết. Riêng tại hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của các doanh nghiệp được vay vốn bình ổn Tết, giá các loại hàng này ổn định, thu hút nhiều người dân vào mua, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, vào ngày 28, 29 Tết các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá như Vissan, Co.op Mart, Ba Huân… thực hiện giảm giá, khuyến mãi đối với các mặt hàng là thực phẩm tươi sống và trứng gia cầm.


Đáng chú ý, với giá thịt lợn, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch tai xanh, lở mồm long móng nhưng đã kịp thời tái đàn từ quý III/2011 nên nguồn cung thịt lợn dồi dào, giá thịt lợn sau khi giảm từ 2.000 – 5.000đ/kg vào tuần trước 23 Tết, đã tăng nhẹ vào những ngày cận Tết với mức tăng khoảng 10-15%, nhưng mức giá chỉ cao hơn so với mức giá năm trước từ 7.000-25.000 đồng tương đương 10-20%. Với thịt bò, gia cầm, thủy hải sản, đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong những ngày Tết. Mặc dù đã được các đầu mối chuẩn bị nguồn cung khá lớn và dồi dào nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết và sức mua tăng cao vào dịp Tết nên giá tăng khoảng 10-20% so với trước Tết và tăng 10 – 30% so với Tết năm trước. Giá một số mặt hàng hiện phổ biến là :Thịt bò thăn: 170.000 - 220.000 đồng/kg; Gà ta lông: 110.000 - 130.000 đồng/kg; Tôm sú (30 con/kg): 280.000 - 350.000 đồng/kg.

Mặt khác, với rau, củ, trái cây: mặc dù nguồn cung được chuẩn bị đầy đủ nhưng do thời tiết rét đậm kéo dài tại Miền Bắc 2 tuần trước Tết và tâm lý mua hàng tích trữ dịp Tết nên giá các loại rau, củ, trái cây tăng từ 10 – 20% so với ngày trước Tết tại miền Bắc. Trong khi đó, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá các loại rau củ trái cây tại các tỉnh Miền Nam lại có xu hướng ổn định so với ngày trước Tết.

Ngoài ra, với thực phẩm chế biến phục vụ Tết, các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm chế biến đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất từ sớm nên nguồn cung khá dồi dào (các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng nhiều hơn năm ngoái từ 10-15% so với năm ngoái); Nhưng do chi phí đầu vào tăng nên giá các mặt hàng này vẫn tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.

Tại các thành phố lớn, các mặt hàng bánh, kẹo, bia rượu nhập khẩu được tung mạnh ra thị trường trong dịp Tết, mặc dù các mặt hàng trong nước mẫu mã, chủng loại cũng đẹp và phong phú, nhưng do giá hàng trong nước và hàng ngoại nhập không chênh lệch lớn như các năm trước nên trong ngày trước Tết khoảng 1-2 tuần, sức tiêu thụ hàng ngoại cao hơn hàng trong nước. Đến những ngày cận Tết, nhu cầu đối với hàng trong nước mới tăng hơn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các gia đình, tuy nhiên do đã phải san sẻ nhu cầu đối với các mặt hàng ngoại nhập trước đó nên sức tiêu thụ của các mặt hàng này đặc biệt là đối với bia sản xuất trong nước kém hơn các năm trước.

Nếu xét trên bình diện cả nước, các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu là của các hãng sản xuất uy tín như bánh kẹo Hải Hà, Kinh đô, Hữu Nghị, Habeco, Sabeco, Vang Thăng Long, Vang Đà Lạt… Giá hàng hóa của các hãng này so với cùng kỳ Tết năm trước đã tăng khoảng 15-25% (tùy loại) nhưng mức tăng chủ yếu được điều chỉnh từ trong năm do các chi phí đầu vào sản xuất tăng.

Hơn nữa, một số mặt hàng nông sản được ghi nhận tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Cũng như các năm, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh các thể đều chuẩn bị tốt nguồn hàng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Giá các loại nông sản khô như đỗ xanh, lạc, măng, miến, hạt dưa, hạt bí, bóng bì…giá đã bắt đầu tăng từ trước Tết 1 tháng, mức tăng khoảng 10% - 15% so với dịp Tết năm ngoái sau đó ổn định trong dịp cận Tết.

Riêng với hoa, cây cảnh, do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào và đa dạng về chủng loại. Tuy nhu cầu của người dân năm nay không cao nhưng giá các loại hoa như đào, lan, ly, hồng, lay ơn…tăng nhẹ khoảng 10-15% so với Tết năm trước, nguyên nhân do giá phân bón, tiền vận chuyển, chăm sóc, thuê cửa hàng, địa điểm đều tăng.

Nhìn chung, không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây, một phần là do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2011 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, một phần do xu hướng mua sắm Tết muộn hơn và tập trung vào những ngày sát Tết. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1/2012 vẫn đạt 191.061 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12/2011, tăng 22% so với tháng 1/2011, cho thấy sức mua tăng cao hơn vào dịp Tết và tập trung vào nhóm thương nghiệp (tăng 3,54%) và các nhóm dịch vụ, du lịch (lần lượt tăng 2,79% và 2,64%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thiếu hàng hóa trong những ngày Tết Nhâm Thìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.