Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể vô tâm

Người Xây Dựng| 18/01/2011 06:59

(HNM) - Trong giờ học tiếng Việt lớp 1, để giúp học sinh phát triển kỹ năng tìm vần và ghép vần, cô giáo hỏi học sinh:

- Cả lớp tìm cho cô từ có vần "ai".
Nhiều ví dụ được học sinh đưa ra, nhưng cô giáo chú ý đến một bạn trai nói to nhất: - Cãi nhau, bố mẹ cãi nhau ạ.

 Cô giáo lại hỏi:
- Ở nhà bạn nào bố mẹ hay cãi nhau?

Học sinh nhao nhao đứng lên tranh nhau giơ tay:
- Bố mẹ con ạ!
Chỉ lác đác một vài bạn ngồi im trên ghế.

Cô giáo hỏi tiếp:
- Các con cảm thấy thế nào khi bố mẹ cãi nhau?
- Buồn ạ.
- Con không thích ạ.
- Chán lắm ạ.
  Đám trẻ lại tranh nhau trả lời.

Cô giáo lại hỏi:
- Bố mẹ con cãi nhau vì chuyện gì?
  Một học sinh nữ đang giơ tay rất nhiệt tình bỗng ngồi phịch xuống ghế, mặt ỉu xìu:
- Cãi nhau vì tiền ạ!

Nghe câu trả lời của cô học trò nhỏ, cô giáo chết lặng, ngỡ ngàng. Khi hỏi câu cuối cùng, cô muốn hướng học sinh đến mục đích định sẵn là giải thích và hướng dẫn trẻ rằng, bố mẹ tranh cãi nhau vì quá lo lắng việc học hành, nuôi dạy con nên các con phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi hơn nữa... Cô không ngờ đám trẻ lại có những quan sát, nhận xét già dặn như vậy trước những vấn đề của bố mẹ. Qua NXD, cô giáo kể lại câu chuyện trên, mong rằng các phụ huynh đừng vô tâm trong cách ứng xử tại gia đình, bởi như vậy bố mẹ đã vô tình gây thương tổn cho sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể vô tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.