(HNM) - Trong lúc vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người, phi tang nạn nhân chưa có hồi kết, mấy ngày qua dư luận lại sôi sùng sục về chuyện bé trai 16 tháng tuổi tử vong tối 20-11, sau khi đã khám, điều trị viêm phổi tại Phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín.
Theo thông tin ban đầu từ Sở Y tế, bác sĩ Sơn đã được cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa nhi và đang làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động phòng khám tư tại nhà riêng. Có thể thấy ngay bản chất sự việc không chỉ là sai sót về chuyên môn nghiệp vụ, mà vị bác sĩ này còn hành nghề "chui".
Tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng không dừng ở đó. Sau khi tiếp tục kiểm tra, làm rõ sai phạm, ngày 25-11 cơ quan chức năng đã công bố một thông tin có thể nói là động trời: Tại Phòng khám Hương Sơn từng xảy ra một vụ chết người tương tự. Cụ thể là hồi tháng 6-2013, một bệnh nhi đến phòng khám này điều trị viêm phổi và "được" bác sĩ Sơn tiêm 2 lọ thuốc - giống như 2 lọ thuốc tiêm cho nạn nhân trong vụ việc vừa qua - cũng đã bị phản ứng thuốc, dẫn đến tử vong sau đó.
Như "giọt nước làm tràn ly", thông tin nói trên đang khiến dư luận và đông đảo người dân vô cùng phẫn nộ, bức xúc. Rõ ràng vấn đề ở đây không còn là y đức và trình độ chuyên môn của thầy thuốc nữa. Một phòng khám, dù là của tư nhân, nằm ở thị trấn ngoại thành chăng nữa, cũng không phải và không thể là "cây kim". Vậy mà không hiểu sao nó lại có thể tồn tại hàng tháng trời (thậm chí có thể từ trước tháng 6-2013) trong khi chưa có giấy phép hoạt động?!
Vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường và vụ hai bệnh nhi lần lượt tử vong sau khi khám, điều trị tại Phòng khám Hương Sơn cho thấy những "lỗ hổng" rất lớn trong công tác quản lý các cơ sở y tế tư nhân. Có thể thấy để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này trách nhiệm chính trong công tác quản lý thuộc về các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đáng nói là vụ bệnh nhi của Phòng khám Hương Sơn tử vong hồi tháng 6 đã gần như bị "chìm xuồng". Một phần do gia đình nạn nhân không khiếu kiện, không đồng ý cho mổ tử thi nên cơ quan chức năng không có kết luận cuối cùng (về nguyên nhân tử vong); tuy nhiên còn có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác, đó là khâu xử lý sai phạm thiếu kiên quyết, quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Theo như báo chí đưa tin, sau khi vụ việc xảy ra, Phòng Y tế huyện Thường Tín đã đề xuất với UBND huyện mức phạt… 17,5 triệu đồng vì lỗi hành nghề không phép; còn Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cũng có cách giải quyết… không giống ai, đó là cắt tiền thu nhập tăng thêm trong tháng 7 của bác sĩ Sơn (!)! Do xử lý theo kiểu "giơ cao đánh khẽ" nên phòng khám chui này vẫn tồn tại như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hậu quả là thêm một bệnh nhi nữa trở thành nạn nhân của vị bác sĩ rất thiếu y đức và yếu chuyên môn này.
Vụ việc ở Phòng khám Hương Sơn và trước đó là Thẩm mỹ viện Cát Tường, đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải khẩn trương siết chặt công tác quản lý cơ sở y tế tư nhân, chặt chẽ từ khâu cấp phép cho đến công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc Bộ Y tế xúc tiến thành lập đường dây nóng cho thấy quyết tâm nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên vấn đề dư luận quan tâm, mong mỏi là hiệu quả xử lý thông tin (từ đường dây nóng) đến đâu? Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên sớm có quy định về việc bác sĩ làm việc tại bệnh viện công có được phép mở phòng khám tư, hoặc hoạt động tại cơ sở y tế tư nhân hay không? Trong trường hợp cho phép thì phải có cơ chế cụ thể gắn trách nhiệm quản lý của lãnh đạo bệnh viện công có bác sĩ, nhân viên làm thêm bên ngoài hoặc mở phòng khám tư; tránh tình trạng khi hậu quả xảy ra đơn vị chủ quản vô can vì "không biết", "không quản"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.