(HNM) - Sáng 5-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về lĩnh vực này…
Thủ tướng nêu rõ: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, phải tiến hành điều tra nắm chắc trữ lượng từng loại để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác bảo đảm hiệu quả cao nhất, đồng thời chú trọng cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng ta không sốt ruột, nếu chưa làm được thì để mai sau con cháu chúng ta làm. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên và dứt khoát không xuất khẩu thô khoáng sản...
Có thể thấy, mặc dù Việt Nam đã có Luật Khoáng sản nhưng thực tế, tình trạng chảy máu tài nguyên, đã và đang diễn ra hết sức bức xúc. Tại tỉnh Yên Bái, riêng lượng quặng sắt khai thác mỗi năm đã lên tới con số trên dưới 100.000 tấn, trong đó chỉ một phần nhỏ được chế biến, còn phần lớn được xuất ra nước ngoài. Đáng buồn là khi đem tài nguyên đi bán, không mấy ai nắm được nhu cầu khoáng sản của thế giới, cũng không biết người ta mua của mình để làm gì?... Phát hiện thấy quặng là bới lên để khai mỏ và không chỉ có vậy. Một cán bộ cấp cao đã phải chua chát thừa nhận: Người ta mua khoáng sản thô để đưa vào những mỏ nhân tạo và phải sau năm 2050 mới khai thác những mỏ nhân tạo này để phục vụ sản xuất… Chúng ta không phải bàn thêm về sự thật này.
Việc sử dụng công nghệ lạc hậu, cấp phép ồ ạt cũng là vấn đề "nóng" đã được cảnh báo. Theo kết quả của Viện Tư vấn phát triển, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác đã tạo ra sự lãng phí lớn: Khai thác than hầm lò tổn thất là 40-60%, khai thác apatit 26-43%, quặng kim loại 15-30%... Tổn thất trong chế biến khoáng sản cũng rất cao. Trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến chỉ đạt 30-40%... Điều đáng nói, ngành địa chất hiểu rõ nhất về khoáng sản lại chỉ làm được mấy việc: nghiên cứu, điều tra cơ bản, rồi cấp phép, việc khai khoáng hầu như không tham gia. Trong khi đó, ngoài đồng vốn, không ít đơn vị, cá nhân đang làm công việc khai khoáng rất thiếu kiến thức về địa chất, về khoáng sản, kinh tế khoáng sản…
Chưa nói đến những tổn thất về môi trường mà Nhà nước và người dân phải chung lưng gánh vác, một hệ quả của việc khai thác "vô tư" ấy đã biến Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu "vàng đen" trở thành nước nhập khẩu loại khoáng sản này. Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9.500 tấn than từ Indonesia phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam. Cũng theo Tập đoàn này, dự kiến số lượng than nhập khẩu đến năm 2012 vào khoảng 10 triệu tấn mỗi năm và đến năm 2020, sẽ nhập về khoảng 100 triệu tấn mỗi năm. Nghiệt ngã hơn, đã có lúc người ta định bới tung cả vựa lúa Đồng bằng sông Hồng để khai thác than? May sao sự việc chưa diễn ra!
Khoáng sản là tài nguyên, là nguồn lực quốc gia, là "của để dành" cho con cháu, do vậy, một chiến lược nhằm phát triển bền vững nguồn lực này là hết sức cần thiết, phải sớm được ban hành để đi vào cuộc sống. Song, điều cấp thiết hơn là phải khẩn trương ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng khai thác bừa bãi, xuất lậu khoáng sản đang diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương; đồng thời chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là tăng năng lực nội tại để nền kinh tế không phải dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.