(HNM) - Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, tổng số nợ của 73 tập đoàn, tổng công ty - doanh nghiệp nhà nước lên tới 1.334.903 tỷ đồng.
Đây là những khoản nợ xấu, khó xử lý và hầu như việc giải quyết chỉ có thể trông chờ vào ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua hình thức khoanh nợ, giãn nợ.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ nên "cứu" các DN còn hy vọng phục hồi; nếu DNNN tiếp tục trông chờ vào "bầu sữa" ngân sách, dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, gây bất bình đẳng trong cộng đồng DN và ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của nước ta.
Nợ xấu trong khối doanh nghiệp nhà nước có tỷ trọng lớn nhưng khó giải quyết bằng biện pháp thị trường. Ảnh: Yến Ngọc |
Khối nợ khổng lồ
Không nằm ngoài những tác động tiêu cực của nền kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của khối DNNN có chiều hướng suy giảm. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ, kết quả hoạt động SXKD của khu vực DNNN năm 2012 tiếp tục giảm sút so với năm 2011. Tổng số nợ của 73 TĐ, TCT là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 (so với 1,77 năm 2011). Tổng lợi nhuận trước thuế của khối DN này cũng đã giảm 5% so với năm 2011, số nộp ngân sách giảm 12% so với số thực hiện năm 2011. Lỗ của các TĐ, TCT khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó 10 đơn vị có số lỗ lũy kế tới 17.730 tỷ đồng.
Tính đến đầu năm 2013, nợ phải thu của các DNNN là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Trong khi đó, tổng doanh thu của khu vực này chỉ đạt 1.621.000 tỷ đồng, tăng 2%. Thực tế này cho thấy, nợ xấu khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn nhưng rất khó giải quyết bằng giải pháp thị trường. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối năm 2012, nợ xấu của DNNN chiếm tới 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và 5,05% dư nợ đối với khối DNNN. Những con số trên cho thấy, số nợ xấu của khu vực DNNN có thể ước tính là 24,95 nghìn tỷ đồng. Khối DNNN lại được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nên đã khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này rất lớn. Báo cáo Kiểm toán nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của VDB ở mức 12,05% vào cuối năm 2010. Với tình hình nợ xấu chung của toàn hệ thống tín dụng năm 2011 cao hơn năm 2010, năm 2012 lại tiếp tục tăng cao thì tỷ lệ nợ xấu của VDB hiện tại có thể cao hơn rất nhiều con số nêu trên.
Nhận xét về những số liệu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu tại khu vực DNNN rất khó giải quyết. Với các DN tư nhân, họ có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản. Trong khi đó, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm hiện nay. Vì vậy, đa số khoản nợ mà DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của NSNN thông qua hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn... Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đang có một sân chơi không bình đẳng giữa DNNN và tư nhân trong cách tiếp cận vốn. Trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, khối DN tư nhân xin vay vốn rất khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Xử lý - Không đơn giản
Đầu tháng 12-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 206/2013/NĐ quy định việc quản lý nợ tại DNNN. Theo đó, DNNN được quyền bán nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được trên nguyên tắc đã trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. DNNN chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho khách nợ. Giá bán khoản nợ do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới DN bị thua lỗ, mất vốn, phải phá sản, giải thể thì hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc và những người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh khoản nợ khó đòi phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo pháp luật.
Theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp - DATC (Bộ Tài chính), nghị định quy định như vậy nhưng thực hiện không đơn giản. Bởi, trên thực tế, việc xử lý nợ không phải đơn thuần chỉ liên quan đến một khoản nợ mà phải xử lý tổng thể các khoản nợ của DN như: Nợ ngân hàng, nợ DN khác, nợ thuế, bảo hiểm… Khi đặt vấn đề mua nợ xấu của DNNN, phải xem xét kỹ liệu DN này có thể phục hồi không. Nếu DN không thể phục hồi thì việc cơ cấu khoản nợ hầu như không có ý nghĩa. Đối với việc bán nợ của DNNN theo giá thị trường, đa phần được mua với giá rất thấp và hầu hết không có tài sản bảo đảm. Khoản nợ của DNNN gần như là khó đòi, không thu được. Thông thường, DATC chỉ mua với giá 10%, 20% hoặc 30% trị giá mà vẫn phải chịu rủi ro bởi hầu hết đây là các khoản nợ xấu, nhiều năm không thu hồi được dù các bên liên quan đã đưa nhau ra tòa án để phân xử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.