(HNM) - Giá thực phẩm những ngày qua đã tăng chóng mặt. Đời sống xã hội, nóng đến mức đã ùa cả vào nghị trường, nên bên lề kỳ họp HĐND TP sáng 13-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, khi trả lời báo chí đã có một so sánh khá thú vị:
Cũng lo về giá thực phẩm, trong đó không chỉ giá thịt lợn hơi mà giá các loại rau xanh cũng đang tăng từng ngày, đến nỗi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải cử đơn vị chức năng chia thành nhiều đoàn nhỏ đi kiểm tra việc sản xuất và cung ứng thực phẩm ở một số tỉnh phía bắc.
Động thái của Bộ NN&PTNT là đáng quý, cho thấy sự quan tâm của cơ quan chức năng đối với đời sống thực tế của dân, nhưng xem ra đây cũng chỉ là "chữa cháy" mà thôi. Xin lấy mấy ví dụ cụ thể làm minh chứng. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tình hình chăn nuôi lợn của cả nước có mức sụt giảm đáng kể. Nếu những năm trước có đến 8 triệu hộ nuôi lợn, thì vào thời gian này, 5 triệu hộ đã bỏ chuồng và số đàn lợn đã giảm ít nhất 10 triệu con. Nguyên nhân chính của việc các hộ bỏ chăn nuôi là do giá thức ăn gia súc vốn đã quá cao, nhưng thời gian qua lại tiếp tục tăng lên từ 30-60% nữa. Bên cạnh đó, giá các loại dịch vụ y tế liên quan đến việc xử lý dịch bệnh cho đàn lợn cũng tăng, khiến người dân càng nuôi càng lỗ, bỏ chuồng là tất yếu.
Nói tất cả những điều ấy đủ thấy câu trả lời chính yếu nhất thuộc về các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hãy điểm lại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi mới thấy cách đây mấy năm chúng đều nằm trong tay các công ty lớn của nước ngoài nên giá cả lên xuống bao nhiêu là quyền của họ. Để rồi, đây là mảnh đất quá màu mỡ, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là quá nhỏ, của Việt Nam với đôi ba chiếc máy tự chế tạo, cùng nguyên liệu nhặt nhạnh đủ kiểu, cũng đưa ra thị trường những sản phẩm "chất lượng" mà chỉ người chăn nuôi là được thụ hưởng hậu quả đó, thấm đòn nhất. Đâu đó, lối làm ăn nhỏ lẻ, chắp vá, manh mún vẫn còn.
Người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư luôn chọn lĩnh vực nào dễ sinh lợi và dễ độc quyền nhất. Chỉ tiếc rằng, chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan chức năng chuyên quản lý, nghiên cứu về lĩnh vực này, mà sao bao nhiêu năm đã qua cứ coi chuyện chăn nuôi gia súc, gia cầm đâu phải là một ngành công nghiệp, bởi nó vốn có từ mấy ngàn đời rồi!? Thế nên, giá cả tăng, thực phẩm thiếu cục bộ hoặc khan hiếm giả tạo… trước hết phải kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt đã. Và các cấp chính quyền đã làm gì để can thiệp để tháo gỡ cách chữa bệnh từ ngọn này chỉ hạn chế được sự lây lan của con bệnh; nhưng về cơ bản không phải là phương thuốc hữu hiệu giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Câu chuyện này thêm một lần để bài học đầu tư có thêm một kinh nghiệm quý và cũng để chúng ta thêm hiểu: không thể trị bệnh từ… ngọn?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.