(HNM) - Không phải đợi đến khi Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ toàn quốc được phát động (ngày 14-3), chúng ta mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của tai nạn lao động (TNLĐ) hiện nay.
Vấn đề không dừng lại ở số người chết, bị thương do TNLĐ mấy năm qua lên tới hàng ngàn (chỉ sau tai nạn giao thông), mà đáng lo hơn là năm nay và có thể những năm tới, điều này vẫn tái diễn.
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều TNLĐ nhất. Dù giảm 3,6% so với năm 2008, nhưng con số 111 vụ tai nạn, 113 người chết và bị thương vẫn khiến hết thảy lạnh sống lưng. Thống kê trên cả nước còn cho những con số này đáng sợ gấp nhiều lần: Năm 2009, tổng số người bị nạn là 6.421 người, trong đó có 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất tuy chưa đầy 40 tỷ đồng, nhưng những ảnh hưởng tới xã hội thì khó đo đếm được. Hệ lụy không chỉ dừng lại ở các vụ tai nạn mà còn kéo dài mãi về sau với những người bị thương tật, với gia đình người bị nạn... Vì thế, TNLĐ là vấn đề xã hội có tính chất nghiêm trọng. Đầu tư nghiêm túc cho các biện pháp giảm tối đa là vấn đề thật sự cấp bách.
Có thể nói, nhận thức phổ biến về an toàn lao động (ATLĐ) của người lao động và người sử dụng lao động ở nước ta hiện nay là rất thấp. TNLĐ tại công trình xây dựng Keangnam gây xôn xao dư luận vừa qua là ví dụ cho thấy sự thờ ơ trước các nguyên tắc ATLĐ của người trong cuộc. Công an huyện Từ Liêm phát hiện nhà thầu rất ít đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ); không bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác ATLĐ hoặc nếu có chỉ là hình thức, thường là cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm; không kiểm tra, đôn đốc, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động trên công trường... Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu do vi phạm quy trình, quy phạm an toàn vệ sinh lao động (trên 30% số vụ). Trong đó, người sử dụng lao động và NLĐ có số lượng vi phạm tương đương nhau. Người sử dụng lao động thì vì tiến độ, vì lợi nhuận, trong khi NLĐ lại "phó mặc cho số phận". Hai lối ứng xử vô trách nhiệm cộng lại, làm sao tránh khỏi TNLĐ?
Để tình trạng coi thường TNLĐ phổ biến như vậy, chúng ta cần phải xem xét lại vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của pháp luật. Không thể nói cả hai đang rất tốt trước tình hình TNLĐ nghiêm trọng như hiện nay. "ATLĐ và sức khỏe tại nơi làm việc - Một trong những quyền cơ bản của NLĐ" (chủ đề của Tuần lễ An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ năm nay). Nhưng khi chủ lao động không chịu đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật an toàn cho công nhân, không chịu chi kinh phí huấn luyện an toàn cho NLĐ, vi phạm các quy định ATLĐ... mà vẫn vô tâm nhìn các đoàn kiểm tra đến rồi đi, "phạt rồi cho tồn tại" hoặc phạt nhẹ như "đánh yêu" thì quyền cơ bản đó khó có thể được thực hiện.
Người lao động đôi khi vì miếng cơm manh áo hoặc vì trình độ dân trí còn quá thấp mà thờ ơ với tai nạn, bất chấp hiểm nguy. Nhưng người sử dụng lao động, nhất là những người có trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn lao động thì không được phép như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.