(HNM) - Mấy ngày nay, các tiểu thương ở chợ quần áo cũ Đông Tác, Khương Thượng tại ngõ 43 phố Đông Tác, phường Trung Tự (quận Đống Đa) đứng ngồi không yên vì thông báo tháo dỡ chợ
Theo các hộ dân, phường gửi thông báo nhưng không có sự giải thích thỏa đáng, dẫn đến những nghi ngại và gây ra sự băn khoăn phản ứng của những người đã làm ăn, buôn bán ở đây suốt 17 năm trời. Vấn đề đặt ra lúc này là cần sớm tìm ra tiếng nói chung giữa chính quyền sở tại với các tiểu thương để dự án thoát nước sông Lừ được triển khai trong sự đồng thuận cao.
Tiểu thương lo lắng
Những ngày này, tại chợ quần áo cũ Đông Tác không khí khá ảm đạm, "khách hàng giảm hẳn so với trước" - một hộ kinh doanh phàn nàn. Trong tâm trạng âu lo, nhiều tiểu thương phản ánh: Chợ Đông Tác trước đây là một bãi đất trống ven sông Lừ, nằm ngay cạnh cầu Đông Tác. Năm 1998, trước nhu cầu buôn bán, kinh doanh quần áo cũ của hàng chục hộ dân, phường Trung Tự đã khuyến khích và cho phép các hộ tự nguyện đầu tư công sức, kinh phí để san gạt mặt bằng lấy nơi kinh doanh. Ban đầu, có 74 hộ dân vào buôn bán, sau đó vào năm 2004 phường Trung Tự làm thêm một dãy thứ 3 với 27 gian kiốt cho 27 hộ dân khác thuê. Công việc kinh doanh ổn định từ đó đến nay.
Chợ quần áo cũ Đông Tác. |
Chị Đinh Mai Khanh, một tiểu thương nói: "Từ ngày có thông báo của phường, chúng tôi hết sức lo lắng cho công việc kinh doanh. Toàn bộ 101 hộ buôn bán ở chợ nộp thuế môn bài, đóng phí và lệ phí đầy đủ từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay. Giải tỏa chợ, chúng tôi không biết sẽ làm gì để toan lo cuộc sống?".
Đề cập đến việc UBND phường thông báo "đã quá thời hạn mà các hộ chưa bàn giao mặt bằng", các tiểu thương cho rằng: "Chính quyền phường triển khai "có phần đột ngột", chưa tìm hiểu, nắm bắt hết tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân". Chính vì vậy mà việc bàn giao mặt bằng theo kế hoạch vào ngày 2-3-2014 đã không triển khai được. Chị Đinh Thị Thanh Thúy, chủ ki ốt số 75 cho rằng, việc thu hồi đất để xây dựng công trình mang tính công ích, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cũng cần quan tâm đến đời sống của bà con sau khi bàn giao mặt bằng. 100 hộ kinh doanh với hàng trăm con người đang trông chờ vào những gian hàng ở đây, nếu không được tiếp tục kinh doanh, chúng tôi chưa biết sẽ xoay xở ra sao?. Nhìn chung, các tiểu thương đều ủng hộ và chấp hành chủ trương của Nhà nước khi thực hiện dự án, nhưng mong muốn sẽ có nơi buôn bán mới để tạo sinh kế lâu dài.
Sớm tìm tiếng nói chung
Lý giải về việc phải có lần thứ ba ra thông báo đến các hộ dân, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự Nguyễn Ngọc Phương cho biết, sau thông báo bàn giao mặt bằng lần thứ nhất và lần thứ hai, các tiểu thương đều xin tạm hoãn vì lý do "giải quyết hết hàng tồn đọng" và "bán hàng qua Tết Giáp Ngọ". Ông Phương khẳng định: "Phường đã tạo điều kiện gia hạn đến cuối tháng 2 năm 2014 mới tiếp tục ban hành thông báo lần thứ ba, yêu cầu các hộ bàn giao mặt bằng". Về việc có hay không việc "chính quyền phường đã vội vàng" trong việc yêu cầu người dân bàn giao mặt bằng, ông Phương cho rằng, phường đã 3 lần ra thông báo và triển khai công việc liên quan từ tháng 10 năm 2013. Nói về việc người dân chỉ nhận được thông báo yêu cầu bàn giao mặt bằng mà không được biết thêm các thủ tục khác trong giải phóng mặt bằng, ông Phương cho biết, các hộ vào kinh doanh ở đây (khi chợ thành lập) đều đã cam kết "tự dỡ bỏ và hoàn trả lại mặt bằng không điều kiện gì khi nhà nước và phường cần đến". Ông Phương cho biết thêm để các hộ sớm hoàn trả mặt bằng từ tháng 10 năm 2013, phường đã không thu các khoản phải đóng góp của các hộ. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Đống Đa Trương Đình Đức (ông Đức là cán bộ địa chính phường Trung Tự thời kỳ 1995-2002) cho biết, thời kỳ này khi bắt đầu thực hiện Nghị định 36-CP của Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị việc buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường bị cấm. Thế nên các hộ đang kinh doanh mặt hàng quần áo cũ quanh khu vực này đã làm đơn xin vào khu đất công thuộc hành lang sông Lừ, gần cầu Đông Tác để buôn bán. Do có khu đất chưa sử dụng đến nên phường Trung Tự đã nhất trí với đề nghị này và các hộ dân cũng cam kết khi nhà nước thực hiện dự án thì tự giác tháo dỡ để trả lại mặt bằng.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung, Dự án thoát nước sông Lừ nằm trong Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, có chiều dài khoảng 4km trên địa bàn quận, kéo từ đường Hồ Đắc Di đến đường Trường Chinh, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Hiện nay, toàn bộ phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt và đang trong quá trình chi trả đến các hộ dân. Trên địa bàn phường Trung Tự có 182 hộ dân, 5 cơ quan và toàn bộ khu chợ đồ cũ Đông Tác nằm trong phạm vi phải giải tỏa để hoàn chỉnh phương án giải phóng mặt bằng. Khu vực chợ quần áo cũ Đông Tác hình thành trên đất công, trước đây chỉ được phường cho các hộ mượn tạm để kinh doanh nên không nằm trong đối tượng được đền bù, giải phóng mặt bằng.
Vẫn theo ông Trung, việc giải phóng mặt bằng khu vực này bị ách tắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, trong khi ở các khu vực khác như từ đường Hồ Đắc Di đến đường Phạm Ngọc Thạch, cơ bản đã hoàn thành; phía đầu đường Trường Chinh cũng đang được các đơn vị thi công tận dụng mùa khô đẩy nhanh tiến độ. "Dự án thoát nước sông Lừ rất quan trọng, ngoài nhiệm vụ là một trong những tuyến thoát nước chính cho quận Đống Đa, dự án còn là trục kết nối giao thông và tạo cảnh quan đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên cần thi công khẩn trương" - ông Trung nhấn mạnh. Để hiểu rõ hơn quan điểm của chính quyền quận Đống Đa, chúng tôi đã làm việc với Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào, được biết, trong cuộc họp ngày 2-3 mới đây giữa lãnh đạo, các ban, ngành của quận và lãnh đạo phường Trung Tự, quận Đống Đa đã yêu cầu lãnh đạo phường Trung Tự khi thực hiện việc giải tỏa khu vực chợ Đông Tác cần tạo sự đồng thuận trong các hộ kinh doanh.
Thực tế, cho dù các hộ tiểu thương đã có "cam kết với UBND phường tự giác tháo dỡ...", nhưng qua 17 năm kinh doanh, buôn bán, gần như "số phận" của hàng trăm người dân đang sống phụ thuộc rất nhiều vào những gian hàng tạm ở chợ. Xét ở khía cạnh an sinh xã hội, rất cần có phương án hỗ trợ các hộ dân sau bàn giao mặt bằng. Nhưng vấn đề hiện nay là việc triển khai dự án thoát nước sông Lừ đang rất cấp bách, vừa giải quyết vấn đề "nóng" là thoát nước trong mùa mưa, kết hợp với mở đường giao thông hai bên sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tạo cảnh quan đô thị văn minh cho khu vực dân cư. Vì vậy, yêu cầu minh bạch các thông tin cụ thể về dự án là điều cần thiết, để người dân hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành theo quy định khi triển khai dự án của thành phố. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, trực tiếp là phường Trung Tự và quận Đống Đa cần xem xét phương án tối ưu nhất để hỗ trợ các tiểu thương bảo đảm ổn định cuộc sống.
Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản chiếm 76%, còn lại là vốn đối ứng của thành phố được thực hiện trong giai đoạn 2006-2014, với tổng diện tích khoảng 300ha đất, liên quan khoảng 7.000 hộ dân thuộc 8 quận, huyện của Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án 6.314 tỷ đồng với 13 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị. Đây là dự án thuộc nhóm dự án trọng điểm của thành phố. Dự án nhằm nâng cao năng lực tiêu thoát nước cho Thủ đô theo quy hoạch, khắc phục tình trạng úng ngập cho nội đô, giảm ô nhiễm môi trường, cải tạo cảnh quan đô thị, góp phần cho thành phố có thêm hàng chục kilômét đường giao thông dọc các sông của Hà Nội tạo cảnh quan đô thị văn minh. Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội phải thu hồi 263ha đất thuộc các quận nội thành, hiện đã thu hồi trên 90% diện tích. Thành phố yêu cầu phải gấp rút hoàn thành 14 tuyến mương thoát nước giai đoạn 2 trước tháng 6 năm 2014. Đối với nhánh dự án thoát nước sông Lừ thuộc gói thầu CP3 (cải tạo 16 tuyến kênh, mương thoát nước thuộc lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét) phấn đấu hoàn thành vào năm 2014. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.