(HNM) - Đại hội đại biểu Hội Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam khóa III (nhiệm kỳ 2014-2019, vừa diễn ra tại Hà Nội) đã dành thời lượng không nhỏ để bàn về giải pháp phát huy giá trị các DSVH theo hướng bền vững. Trên diễn đàn khoa học mang tính phản biện này, một lần nữa các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa
Di sản chưa được quan tâm đúng mức
Những năm qua, việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan quản lý và số đông công chúng. Song chúng ta cũng không thể phủ nhận, mức độ quan tâm này dường như mới chỉ tập trung ở các địa phương có nhiều DSVH, nhiều nhà khoa học tâm huyết với DS, còn tại những địa phương có ít DS hơn thì nhận thức của cơ quan quản lý và người dân về vị trí, vai trò của DSVH trong đời sống cộng đồng còn khá mơ hồ. Điều đó lý giải tại sao một số địa phương luôn mong muốn di tích của địa phương mình được làm khang trang, hoành tráng cho dù điều đó khiến các DS xa rời yếu tố gốc. Nhận thức chưa đúng nên nhiều nơi không ngần ngại "cách tân" nghệ thuật truyền thống bằng lối hát, lối diễn và trang phục mới…
Trang phục truyền thống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai được khôi phục và gìn giữ, nhằm thu hút khách du lịch. Ảnh: Bảo Lâm |
Bà Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội DSVH TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù Hội DSVH đã làm nhiều việc, tổ chức nhiều hoạt động để đưa DS đến gần hơn với công chúng nhưng vấn đề bảo vệ, phát huy giá trị DSVH ở TP Hồ Chí Minh chưa được nhiều người biết đến, chưa nhận được sự quan tâm thực sự của cộng đồng. "Năm nào cũng vậy, dường như Ngày DSVH Việt Nam (23-11) là ngày hội riêng của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Người dân thờ ơ, lãnh đạo các ngành chức năng cũng ít có mặt trong các hoạt động liên quan đến DS khiến những người vì tâm huyết với DS mà ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng như chúng tôi đôi lúc cũng thấy buồn. Tôi tin rằng, nếu Ngày DSVH được cả xã hội quan tâm thì DS sẽ từng bước có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng", bà Lê Tú Cẩm nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Tăng (CLB Mạng lưới bảo tàng ở Việt Nam) cho biết: "Sau hai năm thành lập, CLB Mạng lưới bảo tàng mới chỉ tổ chức được một số hoạt động tại Hà Nội, còn chúng tôi chưa thể tiếp cận các địa phương khác để chia sẻ thông tin vì không phải địa phương nào cũng hào hứng với các hoạt động này. Nếu không được các địa phương tạo điều kiện thuận lợi thì dù muốn chúng tôi cũng khó có thể tiếp cận với công chúng chứ đừng nói đến việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về DSVH, từ đó giúp họ thay đổi cách ứng xử và hành vi".
"Cấy" di sản vào cộng đồng
Bàn về giải pháp phát huy giá trị DSVH một cách bền vững trong thời kỳ CNH, HĐH, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, một lần nữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa lại nêu kiến nghị về việc "cấy" DS vào đời sống cộng đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thành công của mô hình "Biến DSVH thành tài nguyên du lịch cộng đồng", Giám đốc Sở VH,TT&DL kiêm Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Lào Cai Trần Hữu Sơn khẳng định: Như nhiều địa phương khác, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai từng có thời gian quay lưng với bản sắc văn hóa của dân tộc mình và tìm cách thích ứng với đời sống sinh hoạt tương tự như người Kinh. Nhận thấy sự nguy hại nếu để bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số bị mai một, từ năm 2001, tỉnh Lào Cai đã xây dựng đề án "Phát triển văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai". Trên cơ sở đó, các ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành khảo sát thực tế và điều tra nhu cầu của khách du lịch để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các làng, bản, phương châm là biến DSVH thành tài nguyên du lịch, biến đặc sản địa phương thành tài sản… "Bằng cách này, tri thức dân gian, tiếng nói, trang phục truyền thống, sinh hoạt văn hóa, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai được chính cộng đồng khôi phục và gìn giữ vì họ hiểu được rằng đánh mất bản sắc văn hóa thì khách du lịch sẽ không đến nữa và họ sẽ bị đói nghèo", ông Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Việc Hội DSVH Lam Kinh (Thanh Hóa) khôi phục thành công nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công, vốn đã thất truyền hàng trăm năm qua, đã giúp làng đúc đồng truyền thống Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) hồi sinh mạnh mẽ. "Thực tế đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm quý báu là không ai, không cơ quan nào có thể bảo vệ và phát huy giá trị DSVH hiệu quả hơn cộng đồng ở nơi DS được sinh ra. Vì thế, nếu chúng ta tìm ra hướng đi đúng, mang lại nguồn lợi cho cộng đồng thì chắc chắn các làng nghề, các DSVH sẽ phát triển. Nói cách khác, với những cộng đồng có DSVH tiêu biểu bị thất truyền, các cơ quan có trách nhiệm nên phối hợp với nhau để tìm cách "cấy" DS vào cộng đồng và hướng dẫn cách để họ thích nghi. Cẩn trọng trong từng việc làm, tôi tin DS sẽ hồi sinh, bám rễ trong cộng đồng và từng bước phát triển bền vững", ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Hội DSVH Lam Kinh - nhận định.
Có thể khẳng định rằng đối tượng bảo vệ và phát huy giá trị DSVH tốt nhất chính là cộng đồng. Tuy vậy, cộng đồng không thể thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình nếu thiếu sự quan tâm, định hướng, dẫn dắt của các cơ quan quản lý. Bởi thế, DS muốn phát triển bền vững thì cần có sự cộng đồng trách nhiệm giữa các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.