(HNM) - Khi thời gian đang dần sát tới cái mốc 25-11-2012 thì thị trường vàng luôn có diễn biến phức tạp. Lý do là theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì kể từ ngày 25-11-2012 trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC.
Nói cách khác là tới thời điểm đó chỉ có vàng SJC là "vàng mười", có giá trị trên thị trường. Vậy nên người ta đổ xô mua vàng SJC cũng không phải chuyện lạ. Nhưng có điều, khi nhu cầu tăng cao thì nguồn cung lại không đáp ứng đủ. Tức là không có đủ khối lượng vàng miếng SJC bán ra thị trường để phục vụ nhu cầu của người dân và cả nhu cầu của DN đặc biệt là một số ngân hàng trước đây được phép huy động và bán vàng để bình ổn thị trường thì nay lại phải "hút" vàng với khối lượng lớn để bù vào thanh khoản. Và tất nhiên khi mua thì chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là SJC.
Vậy là tạo ra sốt ảo, nghĩa là thị trường Việt Nam không thiếu vàng mà chỉ thiếu vàng có nhãn hiệu SJC.
Hệ quả là giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới ít nhất là trên 2 triệu đồng/lượng, thậm chí lúc cao điểm là khoảng 4 triệu đồng/lượng. Sự đẩy giá ấy không theo quy luật của thị trường mà do SJC sở hữu thương hiệu theo cơ chế độc quyền. Các loại vàng còn lại, dù có bị móp méo hay "nguyên đai nguyên kiện" muốn trở thành "vàng mười" như SJC để lưu thông… có giá trị trên thị trường thì không còn cách nào khác là phải xếp hàng cầu cạnh, chờ kiểm định, đúc lại và dập lên đó cái mác của SJC. Rồi thậm chí xuất hiện cả vàng nhái mác SJC mà chỉ ở riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã lên tới hàng trăm lượng. Do đó, lại có cả cảnh người ta chen chúc nhau xếp hàng để SJC kiểm định và ép bao bì mới tránh tình trạng… hàng giả, dù vàng vẫn là thật 100%. Và tới lúc đó mới thấy, mua các loại hàng hóa từ vài trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng là đã có bảo hành cho chất lượng sản phẩm, nhưng bỏ một đống tiền ra mua vàng nhằm bảo đảm cho giá trị tài sản của mình nhưng lại không hề được… bảo hành về chất lượng.
Như vậy, có thể thấy bản chất vàng là như nhau, nhưng khác nhau ở "cái áo" SJC, một "cái áo" có được do sự độc quyền theo quy định của những chính sách đang ban hành. Đó là độc quyền về nhập khẩu, độc quyền về sản xuất và độc quyền về thương hiệu. Những diễn biến lộn xộn của thị trường vàng như đã nêu đã không mang lại bất cứ hiệu quả nào cho nền kinh tế, còn "giá trị thặng dư" của vàng SJC có được do sự độc quyền thì ai là người hưởng lợi cũng đã quá rõ. Không chỉ như vậy, xét về cơ chế chính sách, ông Trần Tử Quýnh, Thư ký Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời với mục tiêu mà Nhà nước kỳ vọng là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng đến thời điểm này không làm được. Vô hình trung cái lợi đặt ra biến thành cái hại và hơn ai hết chịu thiệt chính là người dân. Còn ĐBQH Trần Du Lịch thì khẳng định, không thể biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN (tức là trao sự độc quyền về vàng miếng cho DN). Cần có sự cạnh tranh trong chuẩn hóa và quản lý vàng miếng. Thị trường chỉ có thể thông suốt khi cơ chế quản lý tuân thủ theo đúng quy luật của thị trường - quy chế cạnh tranh lành mạnh. Và cần lưu ý rằng, nếu những bất cập trên vẫn tồn tại thì một khối lượng vàng trong dân theo dự đoán là từ hơn 300 tới 500 tấn sẽ không chuyển hóa được để lưu thông. Đó cũng là một thiệt thòi lớn cho nền kinh tế đất nước. Nên chăng cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc cho mở sàn vàng chính thức và cho kinh doanh vàng tự do nhưng phải thể hiện kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống mọi biểu hiện tiêu cực, độc quyền, bảo đảm công khai minh bạch.
Trong khi chúng ta đang nỗ lực xóa bỏ sự độc quyền ở nhiều lĩnh vực để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì mặt hàng vàng lại là một ngoại lệ khi độc quyền nhà nước được chuyển thành sự độc quyền cho DN. Và như vậy, SJC được hưởng lợi còn các doanh nghiệp khác và người dân phải phụ thuộc và chịu thiệt. Phải chăng đây là một cách thể hiện "lợi ích nhóm" như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng nói trên các phương tiện truyền thông?
Vì vậy, không thể để tình trạng độc quyền ảnh hưởng đến nền kinh tế và làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.