(HNM) - Thông tin đến năm 2014 Bảo tàng Hà Nội (BTHN) mới hoàn tất việc trưng bày khiến dư luận lo ngại công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không phát huy hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị vững chắc về mọi mặt trước khi đưa BTHN vào hoạt động chính thức.
Mới chỉ là trưng bày tạm thời
Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Vân Hà
Trước những phản ánh của khách tham quan về sự hạn chế trong trưng bày của BTHN, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BTHN giải thích: BTHN chưa thể thực hiện trưng bày chuyên nghiệp vì đến nay phương án thiết kế tổng thể vẫn chưa được phê duyệt, BT cũng chưa nhận bàn giao chính thức. Do không thể để lãng phí công trình nên ngay trong dịp Đại lễ, BTHN đã tổ chức trưng bày tạm thời, nghĩa là "của nhà" có cái gì phù hợp, có thể "kể chuyện" lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì mang ra giới thiệu. Vì là tạm thời nên BT không thể áp dụng các giải pháp kỹ thuật tốn kém như làm sa bàn, mô hình; đầu tư hệ thống tủ kính hiện đại... Mặc dù vậy, du khách vẫn có thể thấy các hiện vật được bố trí theo chủ đề, bố cục khá rõ ràng. Tầng 1 là các hiện vật tiêu biểu của Thăng Long; tầng 2 là hơn 400 mẫu thiên nhiên và hiện vật thời kỳ tiền Thăng Long; tầng 3 dành cho các bộ sưu tập tư nhân và hiện vật do các tổ chức, cá nhân tặng Thủ đô dịp Đại lễ; tầng 4 giới thiệu hình ảnh "Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX"; "Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa" và cổ vật… Các hiện vật này được các chuyên gia "bảo dưỡng" hằng tuần nên về cơ bản không thể bị xuống cấp.
Nếu so sánh với các bảo tàng "đàn anh" như Bảo tàng Hồ Chí Minh phải mất tới 10 năm mới hoàn thiện công tác trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng phải mất 7 năm mới "ra tấm ra món" thì những gì BTHN đang làm, tuy chưa thực sự khiến công chúng hài lòng nhưng cũng đã là sự cố gắng lớn.
Phê duyệt đến đâu sẽ trưng bày đến đó
Để BTHN đi vào hoạt động chuyên nghiệp phải có phương án thiết kế khoa học. Phương án trưng bày đã được 4 tổ chức tư vấn nước ngoài đề xuất từ năm 2009 và phương án cuối cùng đã được lựa chọn. Qua nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện, bổ sung, đến nay hồ sơ thiết kế tổng thể BTHN đã được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận và đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Khách tham quan Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bảo Kha
Theo phương án thiết kế này thì không gian trưng bày tại đại sảnh tầng 1 của BTHN sẽ là hình ảnh "Rồng thiêng", vốn được coi là biểu tượng cho giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội; bên trong là các phòng trưng bày tạm thời, quầy bán vé… Không gian tầng 2 để giới thiệu đặc điểm tự nhiên của Hà Nội, hiện vật thời kỳ tiền Thăng Long và văn hóa các dân tộc Hà Nội… Tầng 3 là nơi kể chuyện lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội bằng hiện vật từ khi vua Lý Thái Tổ định đô đến nửa đầu thế kỷ XX. Hình ảnh Hà Nội kiên cường, bất khuất đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH với niềm tự hào, vinh quang nhưng cũng đổ không ít mồ hôi, nước mắt, tiền của, máu xương của nhiều thế hệ người dân Thủ đô sẽ được tái hiện trong không gian trưng bày tầng 4. Ngoài ra, BT còn có các khu vực phục vụ cho công tác GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiệp vụ… 10 khu vực trưng bày ngoài trời để giới thiệu sinh vật cảnh, hiện vật thế khối lớn, 36 phố phường Hà Nội, ẩm thực, trò chơi dân gian và một số lễ hội tiêu biểu… "Tất cả nội dung trưng bày sẽ được hỗ trợ bởi chương trình nghe, nhìn có tính tương tác với kỹ thuật phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả thông tin, rõ tính giáo dục và bảo đảm hấp dẫn khách tham quan" - ông Đồng Huyền Ngọc, Giám đốc BQL Dự án xây dựng BTHN (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định.
Sau khi phương án thiết kế tổng thể được phê duyệt (dự kiến trong tháng 6), BQL dự án sẽ phối hợp cùng đơn vị tư vấn triển khai ngay thiết kế chi tiết theo hướng được phê duyệt đến đâu sẽ trưng bày hiện vật đến đó. Dự kiến BTHN có thể hoàn thiện công tác trưng bày vào năm 2013.
Hiện nay, 60.000 hiện vật đang có đáp ứng được khoảng 70-80% diện tích trưng bày theo phương án thiết kế. Số còn lại, BTHN sẽ phối hợp với các bảo tàng chuyên ngành trao đổi, tổ chức trưng bày luân phiên hoặc tạo phiên bản từ hiện vật gốc; đồng thời tích cực thăm dò, khảo sát và khai quật khảo cổ để tạo nguồn hiện vật cho BT… Ngày 13-6, BTHN sẽ tiến hành khai quật khảo cổ học tại di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung (Hoài Đức) để tìm kiếm thêm hiện vật có giá trị. Bên cạnh đó, BT cũng đang tiến hành phân loại hiện vật theo chuyên đề, lập hồ sơ khoa học, hoàn thiện nội dung thuyết minh…
Có thể thấy, các cơ quan hữu quan đã và đang làm tất cả để "pho sử sống" đồ sộ của Thủ đô phát huy giá trị tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.