Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể lơ là, thụ động

Hiền Lương| 06/03/2010 07:16

(HNM) - Không bất ngờ, khi chủ đề nổi bật tại cuộc giám sát ở quận Ba Đình do Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh chủ trì là vụ việc


Trước Tết Nguyên đán Canh Dần khoảng 1 tuần, UBND TP đã nghe báo cáo toàn bộ vụ việc và yêu cầu Thanh tra TP báo cáo lại, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Tới nay, dù chưa có báo cáo mới này, một số cơ quan liên quan đã nhận ra hạn chế trong công tác của mình và tỏ ra hết sức cầu thị: UBND quận Ba Đình với chức năng quản lý sau cấp phép xây dựng đã nhận lỗi với TP; Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản đề nghị TP thu hồi sổ đỏ đã cấp... Đây là cơ sở để tin tưởng vụ việc sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, lấy lại lòng tin của nhân dân. Nhất là khi vụ việc này có tính chất tương tự nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trước đây (đã được TP xử lý triệt để) mà điển hình là vụ xây dựng trái phép trên đất chuyển nhượng trái phép được Hànộimới phản ánh qua loạt bài "Con voi chui qua lỗ kim".

Một lần nữa, vụ việc này cho thấy, công tác quản lý sau cấp phép có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Mỗi dự án đều có mục đích đã được nêu rõ trong quyết định phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng công trình. Các chủ đầu tư (trong trường hợp này là chủ đầu tư tư nhân) thường tìm đủ mọi cách để thu lợi nhiều nhất và nhanh nhất có thể, nên sẵn sàng cố tình vi phạm. Thế nhưng để vi phạm đó tồn tại, thậm chí tăng thêm, là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Giá như những vi phạm của chủ công trình này được xử lý dứt điểm ngay từ đầu, chắc chắn vụ việc không đến nỗi phức tạp và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như bây giờ. Trên thực tế, việc xử lý đã rất qua loa, đại khái. Các cấp, các ngành chức năng có liên quan dường như đã giao trọn trách nhiệm cho UBND phường xử lý và UBND phường đã thi hành quyền lực của mình một cách rất yếu ớt: lập biên bản xử phạt nhiều lần để rồi sau mỗi lần, công trình vi phạm lại to thêm.

Đây là lý do để trong quản lý sau cấp phép trong một lĩnh vực phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi lớn như xây dựng, không nên và không thể "bỏ mặc" cho một mình cấp phường. Cấp quận và cơ quan chuyên ngành cấp TP phải có trách nhiệm hỗ trợ cấp phường làm tốt nhiệm vụ. Tất nhiên trong những trường hợp như vậy, cấp phường cần chủ động kêu gọi sự trợ giúp từ cấp trên và các cơ quan chức năng liên quan. Đó là những việc làm thể hiện trách nhiệm và kỹ năng làm việc tối thiểu của các cơ quan quản lý nhà nước trước những vấn đề xã hội phức tạp, nhất là những lĩnh vực, những vụ việc nhạy cảm, dễ gây bức xúc, làm mất lòng tin của dân đối với hiệu lực của chính quyền. Mỗi cơ quan, theo chức năng, nhiệm vụ chỉ cần chủ động trong công việc, không lơ là nhiệm vụ, có lẽ vụ việc cống hóa mương Phan Kế Bính đã không phức tạp như hiện nay.

Công trình xây dựng trái phép trên mương Phan Kế Bính vẫn tồn tại như đang thách thức dư luận. Chừng nào công trình này còn tồn tại, kỷ cương xã hội còn bị xem nhẹ. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND TP, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm, có tình, có lý. Chắc chắn đây sẽ là một bài học đắt giá về công tác quản lý nhà nước, nơi nguyên tắc "thượng tôn pháp luật" phải được đặt lên hàng đầu và rằng: chỉ một chút lơ là, thụ động, thiếu công tâm, việc đơn giản sẽ trở nên phức tạp, việc dễ sẽ trở nên khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể lơ là, thụ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.