(HNM) - Hằng năm, vào cữ chuyển mùa, một số bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, ho gà… thường phát triển nhưng ít năm như năm nay, nhiều bệnh xã hội như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), sởi, rubella, sốt rét cùng tăng mạnh, một số bệnh đã thành dịch.
Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến cuối tháng 8-2011, số người mắc TCM đã là hơn 35 nghìn người và đã có 83 người tử vong, chủ yếu là trẻ em ở 59 tỉnh và thành phố trong nước, trong đó có Hà Nội, nhiều nhất là các tỉnh phía nam, đặc biệt là các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao gấp 4 lần năm ngoái. Theo các nhà nghiên cứu, hai bệnh TCM và SXH năm nay kéo dài suốt từ đầu năm đến nay, có nguy cơ tử vong cao, tuy trẻ em nhiều hơn nhưng người lớn cũng có khả năng mắc bệnh. Cùng với hai bệnh trên, nhiều bệnh khác như sởi, rubella, sốt rét cũng đang tăng lên, nhiều bệnh gấp đôi bình quân các năm trước. Ngoài số bệnh mang tính mùa vụ, một số bệnh do vi rút như viêm gan (91.000 trường hợp), cúm AH1N1, viêm não cũng tăng nhiều. Các bệnh truyền nhiễm trên đã khiến nhiều bệnh viện, nhất là các khoa lây nhiễm, khoa nhi quá tải; tốn kém nhiều tiền của và giảm hàng triệu ngày công lao động trong khi công việc đang rất khẩn trương.
Nguyên nhân khiến các bệnh trên bùng phát mạnh trong năm nay ở cả Việt Nam và nhiều nước khác đang được nghiên cứu, tuy nhiên sơ bộ có thể kết luận ngoài yếu tố chu kỳ, việc thời tiết thay đổi và nguyên nhân chủ quan có vai trò quan trọng. Trong khi có hàng vạn người mắc bệnh thì hiểu biết cũng như ý thức ngăn chặn của người dân, kể cả những người có trách nhiệm còn nhiều hạn chế. Nhiều phòng, trạm y tế đến nay hiểu biết về dịch bệnh còn rất lơ mơ, nhiều nơi lơ là, không tích cực điều trị. Ngay ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhận điều trị so với người đến khám ở một số bệnh viện chuyên khoa khá thấp, chỉ khoảng 20% do thiếu giường bệnh nhưng cũng do cho rằng đây là các thể bệnh nhẹ, có thể tự điều trị. Mùa khai trường đã đến, hàng triệu trẻ em trong cả nước sẽ đến trường. Sự lơ là, coi thường bệnh của các trường học và phụ huynh học sinh sẽ làm các ca mắc bệnh tăng thêm, nhất là trong 3 tháng đỉnh dịch sắp tới. Nhiều loại thuốc phòng dịch, diệt muỗi đắt tiền nhập từ nước ngoài phát không cho dân sử dụng nhưng đã bị lãng phí do không dùng hoặc dùng không đúng cách.
Nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm, trong đó có những bệnh đã thành dịch là rất lớn, không thể coi thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.