Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể lấy tiêu cực để chống tiêu cực

Hương Ly| 06/06/2012 07:24

(HNM) - 34 thí sinh vi phạm kỷ luật bị đình chỉ thi; 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi là số liệu do Bộ Giáo dục và Đạo tạo công bố sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2012.


Trao đổi với báo chí tại hành lang QH ngày 5-6, xung quanh sự kiện này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc là do "bệnh thành tích".


Lời giải photo được gửi từ bên ngoài vào cho thí sinh chép.Ảnh chụp từ clip


- Đoạn video ghi lại việc vi phạm quy chế thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã cho thấy nhiều sai phạm, song người tố cáo vụ việc tiêu cực liệu có bị xử lý vì chính họ cũng vi phạm quy chế không thưa ông?


- Tôi cho rằng, quay phim ở trong phòng thi như vậy là vi phạm quy chế, còn việc tố giác tiêu cực lại là vấn đề khác. Hai việc đó phải giải quyết một cách rành mạch. Thí sinh vi phạm là phải xử lý thí sinh, còn thông tin từ đoạn video nếu được xác định là thật thì vẫn phải xem xét dù họ làm thế với mục đích tốt đẹp. Bởi không thể chấp nhận việc thí sinh mang máy quay vào phòng thi, như thế là vi phạm quy chế.

- Nhưng nếu không ghi hình lại sẽ không khẳng định được sai phạm, thậm chí sẽ không ai dám tố cáo tiêu cực?

- Tôi không ủng hộ cho việc bỏ qua vi phạm của thí sinh quay đoạn video này. Chuyện chống tiêu cực có nhiều biện pháp chứ không thể dùng một biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực. Nếu chúng ta chấp nhận thì sẽ có nhiều người lợi dụng điều này với động cơ không trong sáng để vi phạm pháp luật, xã hội lúc đó sẽ không còn kỷ cương. Không thể nói tôi vi phạm pháp luật để tôi chống tiêu cực được.

- Ông có cho rằng, việc vi phạm quy chế ngang nhiên này là do áp lực của bệnh thành tích trong giáo dục?

- Vấn đề này cần đánh giá một cách đầy đủ, bởi tiêu cực có thể do bệnh thành tích của phụ huynh và họ lợi dụng quan hệ với hội đồng thi để vi phạm. Trường hợp giáo viên tự làm việc này thì sẽ do áp lực thành tích của nhà trường. Không nhằm mục đích gì sẽ chẳng ai vi phạm. Nếu có chuyện giám thị chuyển "phao thi" cho thí sinh thì cần nghiêm khắc xử lý bởi đó là vi phạm pháp luật, không chỉ là vi phạm đạo đức đơn thuần.

- Vậy theo ông, kết quả của ngày thi được ghi lại trong đoạn video sẽ xử lý thế nào?

- Theo tôi cần phải nghiên cứu xem có hủy kết quả thi hay không vì điều này sẽ ảnh hưởng đến số đông thí sinh. Không thể vì một vài người vi phạm mà ảnh hưởng quyền lợi những thí sinh khác. Có thể khi chấm thi, nếu phát hiện nhiều bài trùng một cách bất thường, không tự nhiên thì Hội đồng thi xử lý theo đúng quy chế là loại bài ấy, trừ điểm hoặc hủy kết quả.

- Xin cảm ơn ông!

Tối 5-6, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh vụ việc. Đây là hiện tượng sai phạm xảy ra tại Hội đồng Coi thi THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Sở GD-ĐT Bắc Giang đã quyết định không cử làm nhiệm vụ chấm thi đối với chủ tịch hội đồng coi thi, giám thị, cán bộ thanh tra thuộc hội đồng coi thi này.


Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu Sở GD-ĐT Bắc Giang phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh danh tính, hành vi vi phạm Quy chế thi của lãnh đạo hội đồng, các giám thị, thí sinh và các đối tượng liên quan trên cơ sở sai phạm thực tế của các đối tượng, xử lý nghiêm theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Hồng Hạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể lấy tiêu cực để chống tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.