(HNM) - Suốt mấy tuần qua, sự việc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) bị bán cho một doanh nghiệp Thái Lan vẫn dấy lên nhiều nghi vấn lớn trong dư luận.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh thương vụ mua bán Metro là bởi, đã hơn chục năm - chính xác là 12 năm kể từ khi tập đoàn mẹ (của Đức) đầu tư vào Việt Nam với vốn liếng ban đầu 78 triệu USD, cái tên Metro đã trở nên "nằm lòng" với người dân ở các thành phố lớn. Như mọi doanh nghiệp (DN) FDI khác, khi vào Việt Nam, Metro được "trải thảm đỏ", đến nay đã có chuỗi 19 siêu thị trên cả nước, đều có quy mô "khủng" và vị trí đắc địa, ngoài ra là 5 kho trung chuyển hàng hóa. Thế nhưng, ít ai ngờ là sau 12 năm đứng chân ở Việt Nam, được đánh giá là một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực bán sỉ (và cả bán lẻ), vậy mà Metro lại không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào! Lý do là vì DN này thường xuyên báo lỗ kéo dài, chỉ duy nhất một năm (2010) có lãi. Việc một "đại gia" như Metro không nộp thuế (song lại không ngừng mở rộng kinh doanh) đã được phản ánh từ lâu, thậm chí có người nói trắng ra đó là hành vi liên quan tới "trốn thuế, chuyển giá", thế nhưng dường như các cơ quan quản lý vẫn... cho qua!
Thực tế là không chỉ có Metro mà lâu nay nhiều DN FDI khác cũng nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan chức năng vì có biểu hiện trốn thuế bằng hành vi chuyển giá. Điển hình như vụ nhập dây chuyền máy móc cũ trị giá 400 nghìn USD nhưng lại trắng trợn khai khống lên tới 16 triệu USD của Tập đoàn Hualon Corporation (KCN Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai - chuyên sản xuất sợi, dệt vải); và vin vào "chi phí nhập dây chuyền cao", DN này báo lỗ trong gần 20 năm để không phải nộp thuế! Cũng phải nói thêm là việc nhập dây chuyền cũ rồi khai khống giá trị lên gấp 40 lần chỉ là một "độc chiêu" của Hualon. Khi vào cuộc, cơ quan chức năng đã làm rõ tổng giá vốn đầu vào DN này nâng khống lên tới 1.156,8 tỷ đồng... Đáng nói là danh sách "đen" liên quan tới chuyển giá, trốn thuế phải lên tới hàng nghìn DN, trong đó có nhiều "ông lớn" như Kengnam Vina, Coca Cola, Adidas, Nestle... Mới đây nhất là vụ Công ty Besra Việt Nam đầu tư vào hai mỏ vàng ở tỉnh Quảng Nam, chỉ có việc đào vàng mang bán ra nước ngoài (trong 4 năm xuất hơn 7 tấn vàng) mà cũng kêu lỗ(!?)...
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn nạn chuyển giá gây thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời là một nguyên nhân gây bất ổn xã hội, do các DN thường lấy lý do thua lỗ để né tránh quyền lợi của người lao động. Mặc dù vậy, số vụ việc được làm rõ rất hiếm, do cơ quan chức năng thường bị "bó tay" bởi cách thức vi phạm của các DN nước ngoài hết sức tinh vi, phức tạp, và đứng đằng sau là những chuyên gia tư vấn, tài chính quốc tế sừng sỏ, kinh nghiệm... Đáng nói là trong khi đó hệ thống pháp lý ở nước ta còn những "lỗ thủng" giúp DN nước ngoài lách luật, trốn thuế. Chỉ đơn cử như luật quy định một đợt thanh tra dài nhất cũng chỉ 70 ngày, vì vậy việc làm rõ hành vi chuyển giá của một DN FDI với vô số mối liên hệ nhằng nhịt với công ty mẹ (ở nước ngoài) và các đối tác (ở rất nhiều nước) đối với cơ quan thuế là nhiệm vụ bất khả thi! Vì vậy mà phần lớn các vụ việc liên quan đến chuyển giá đành "treo" lại, chỉ là "nghi án"... Và chắc chắn đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng chuyển giá ngày càng gia tăng, phức tạp và có quy mô lớn.
Trở lại với thương vụ Metro. Chưa nói tới sự bất ngờ của số tiền "khủng" 870 triệu USD mà tập đoàn mẹ thu về, việc DN Thái Lan mua đứt một thương hiệu phân phối hàng đầu tại Việt Nam còn khiến dư luận lo ngại bởi chỉ hơn 1 năm nữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực (năm 2015), vì vậy việc thâu tóm chuỗi 19 siêu thị Metro được xem là "cú ra đòn" sớm nhằm loại bỏ một đối thủ nặng ký, đồng thời "dọn chỗ" cho hàng hóa của Thái Lan tràn vào thị trường Việt. Dư luận còn bất an ở chỗ, vụ chuyển nhượng Metro kèm theo nhiều diện tích mặt bằng rộng lớn, đắc địa xem ra khá đơn giản, không thấy có sự can thiệp nào của cơ quan quản lý...
Thực tế đang cho thấy rõ ràng các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay, làm rõ những nghi vấn trong vụ mua bán Metro, có giải pháp kịp thời nhằm ngăn chặn những thiệt hại không đáng có cho đất nước. Về lâu dài, hệ thống chính sách pháp lý cần phải được sửa đổi cho phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ "mất cả chì lẫn chài".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.