(HNM) - Ước mơ cũng như khát vọng "xác lập tên tuổi" trên bản đồ điện ảnh thế giới của điện ảnh Việt Nam ngày một bộc lộ rõ ràng hơn, quyết liệt hơn.
"Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" đã được phê duyệt. Hôm 28-11, Cục Điện ảnh lại tổ chức hội nghị trực tuyến với hai điểm cầu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm lấy ý kiến các chuyên gia cho dự thảo "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Nghĩa là bàn cách làm để cụ thể hóa chiến lược, hiện thực hóa khát vọng…
Nhưng tại đây và cũng không chỉ có một hội nghị lấy ý kiến này, các chuyên gia đã chỉ rõ, "để bước được một bước" đều phải xuất phát từ thực tế. Từ nay đến năm 2020, tức là 7 năm nữa, cả nước sẽ phải có 3 trường quay lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. 7 năm chỉ là cái "chớp mắt" đối với các dự án cần nguồn kinh phí "khổng lồ" như vậy. Kịp không? Đủ tiền không? Và nhất là có cần không khi hiện tại chỉ với một trường quay Cổ Loa đang có vẫn chưa hoạt động hiệu quả, chưa được đầu tư "tới nơi, tới chốn". Do vậy, trước mắt tập trung đầu tư cho trường quay ở Hà Nội và xây mới trường quay ở TP Hồ Chí Minh là khả thi hơn cả.
Rồi cũng trong quy hoạch này, không đầy 10 năm nữa, chúng ta phải xây mới 49 rạp, cải tạo 48 rạp… Củng cố hệ thống rạp là vô cùng cần thiết với một nền điện ảnh, nhưng ở đây lại vấp phải vấn đề là "dàn hàng ngang… để tiến". Nhiều rạp cũ còn đó, nhưng hệ thống chiếu đã lạc hậu, việc thu hút khán giả khó khăn, sự liên kết theo tính chất "cụm" để cạnh tranh với hệ thống rạp "hoành tráng" của tư nhân cũng lỏng lẻo... Còn nhớ Liên hoan phim Việt Nam vừa diễn ra tại Quảng Ninh, muốn xem các phim chiếu bằng kỹ thuật số chỉ có một địa chỉ và địa chỉ này cùng một số điểm xem phim khác cũng vừa mới được đầu tư để phục vụ… Liên hoan phim.
Đặc biệt, sau tất cả câu chuyện cơ sở vật chất này, điều quyết định những bước tiến của ngành điện ảnh phải là nguồn nhân lực có chất lượng. Xây mới rạp, trường quay… có trọng điểm và dành nhiều công sức, tiền bạc cho đầu tư con người là mong mỏi chung nhất của các nhà quản lý, điện ảnh đối với quy hoạch này.
Như thế, mất thời gian nhưng tiến chậm từng bước chắc chắn còn hơn là nóng vội mà giậm chân tại chỗ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.