(HNM) - Phan Hồn Nhiên (sinh năm 1973, tại Hà Nội) từng viết truyện ngắn, truyện dài theo cả dòng hiện thực lẫn kỳ ảo (fantasy), tác phẩm của chị được giới trẻ chờ đón.
Tiểu thuyết "Ngựa thép" (NXB Trẻ mới ấn hành) với ngôn ngữ và cấu trúc ấn tượng đã cho thấy sự thay đổi trong bút pháp của cây bút này, nó cũng cho thấy rằng tác giả, dù đã được bạn đọc đón nhận thì cũng không thể dễ dãi với mình, không thể dừng lại… PV Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà văn Phan Hồn Nhiên về tác phẩm và quan điểm văn chương.
- Tiểu thuyết đầu tay "Ngựa thép" có ý nghĩa như thế nào trong đời viết của chị?
- Cách đây khoảng 10 năm, như nhiều nhà văn khác, sau khi có một số tập truyện ngắn, tôi cũng có ý định bắt tay vào tiểu thuyết. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh nghề nghiệp, tiểu thuyết là thử thách lớn, đặt ra rất nhiều vấn đề mà khi đối diện với chúng, tôi hiểu mình chưa thể vượt qua. Tôi dành thời gian sau đó để tập luyện các kỹ năng còn thiếu thông qua việc viết một số truyện dài, tiếp tục thử nghiệm ở thể loại truyện ngắn, đồng thời học thêm kỹ thuật viết tiểu thuyết hiện đại.
|
Đến năm 2011, rất may mắn, tôi được chọn tham gia IWP - chương trình viết văn quốc tế tại Đại học Iowa (Hoa Kỳ). Ở đó, điều kiện học tập và trao đổi nghề nghiệp rất tốt. Các không gian nghệ thuật gợi mở cho tôi nhiều. Có thể nói, đó là quãng thời gian thực sự dễ chịu. Bên cạnh việc học, tôi bắt tay vào xây dựng kết cấu và viết "Ngựa thép". Tôi viết trong một năm, chỉnh sửa trong một năm nữa, cho đến khi hoàn thành như bạn đã đọc.
- Vì sao sự cô độc, sự hoang hoải nhưng luôn ẩn giấu khát vọng yêu thương của con người lại ám ảnh ngòi bút của chị đến vậy? - Một trong những đòi hỏi quan trọng nhất của tiểu thuyết, theo tôi nghĩ, là phân tích các tình thế của con người. Con người hiện đại, về bản chất, là những cá nhân đơn độc. Sự phát triển của công nghệ dường như cho phép các cá nhân trong xã hội có nhiều không gian hơn. Họ thể hiện và kết nối nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng dễ thất lạc chính mình. Bản thân con người hiện đại có thể không ý thức điều này, nhưng môi trường xung quanh cũng như các lựa chọn lần lượt của họ sẽ dẫn đến tình thế ấy. Khôn ngoan và lãnh đạm là điều dễ thấy ở con người hiện đại, nhưng bên dưới bề mặt ấy có vấn đề gì thì có lẽ chỉ văn học mới có thể nhìn nhận và phân tích thấu đáo.
- "Ngựa thép" không dễ đọc, và chắc chắn là không dễ viết. Ngôn ngữ tự nó phải đa tầng và chồng lớp các ý niệm để tải được tinh thần tác phẩm, hay đây là cách viết nhằm làm mới tác phẩm của chị?- Khi viết tiểu thuyết đầu tay, yêu cầu quan trọng nhất mà tôi đặt ra cho mình là thực hiện được bài toán về kết cấu. Có lẽ cảm giác mà bạn cảm thấy đến từ hiệu ứng cấu trúc. Còn về các khía cạnh khác thì thực sự là tôi không tính toán gì nhiều. Tôi chỉ viết về điều tôi biết rõ và bằng thứ ngôn ngữ tôi có, cho đến thời điểm ấy.
- Kết cấu khác lạ ấy, với ba phần và ba nhóm nhân vật như thể không liên quan đến nhau, nhưng vẫn nằm trong một thể thống nhất với một điểm chung là sự cô độc, và nỗi khắc khoải kết nối với những người thân, với đồng loại?
- Có lẽ cũng là xâm phạm tự do của người đọc khi người viết muốn giải thích quá nhiều về tác phẩm. Nhưng, xin chia sẻ đôi chút là khi thực hiện "Ngựa thép", tôi chịu ảnh hưởng và sử dụng nhiều thủ pháp của hội họa, trong việc tạo kết cấu, đặt góc nhìn, mô tả và mổ xẻ nhân vật, tạo ra các mảng ghép riêng biệt nhưng tương thích với nhau trong một tổng thể chung.
- Hơn 400 trang sách, mà hầu hết mỗi câu chữ đều là những cuộc tìm kiếm, nắm bắt, mổ xẻ thế giới tâm hồn vừa nhạy cảm vừa đầy mâu thuẫn và phức tạp của các nhân vật, "Ngựa thép" có lúc nào khiến chị nản đến độ muốn buông bút?- Có lẽ trước khi viết, nhờ làm phác thảo khá kỹ nên tôi không gặp nhiều khó khăn trong tiến trình thực hiện. Tuy nhiên, giữa các phần của tiểu thuyết, nhận ra việc có thể bị trùng lặp giọng điệu và không gian tâm lý, tôi có tạm ngưng một thời gian, đi làm việc khác, sau đó quay trở lại. Thực ra, với tôi, thời gian chỉnh sửa, viết lại mới thực sự căng thẳng.
- Cách viết này, với ngôn ngữ và cấu trúc khác lạ, tạo ra hai khả năng: Hấp dẫn những bạn đọc thích sự khám phá, hoặc làm nản lòng một số đông bạn đọc khác. Chị có sợ mất những độc giả ưa lối viết "dễ hiểu" không?- Bạn đọc rất quan trọng, nhất là khi tác phẩm đã xuất bản. Nhưng theo tôi biết, hầu hết nhà văn đều tự chủ trong quá trình thực hiện tác phẩm. Hoàn tất bản thảo "Ngựa thép", làm việc với người biên tập, chúng tôi vui vẻ xác định rằng hình thức và cách làm này khó đến được với số đông độc giả. Nhưng ở vị trí của người viết, tôi tự hiểu là không thể cùng lúc có được tất cả.
- Viết truyện ngắn, truyện dài và bây giờ là tiểu thuyết. Sắp tới Phan Hồn Nhiên sẽ tiếp tục cống hiến gì cho bạn đọc?- Tôi đang dành thời gian học thêm vài thứ mình cần. Khi nào thấy tạm ổn thì viết. Nhìn chung, văn chương hiện đại có nhiều chuyển biến nhanh và hấp dẫn, đặt ra nhiều vấn đề mà muốn nắm bắt thì người viết cần có các bước đi bài bản.
- Xin cảm ơn chị!