Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể “chín bỏ làm mười”

Thi Thi| 05/10/2014 07:09

(HNM) - Mới đây, trang thông tin điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam đăng tải bài viết của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, chỉ rõ tập thơ

Khi nhận ra đứa con tinh thần của mình mang tên người khác, nhiều nhà thơ đã công khai sự bất bình thường này, nhưng đáng sợ là việc "đạo" thơ vẫn diễn ra hồn nhiên, như thể sự "đạo" chẳng có gì đặc biệt.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, một trong những người nhận ra đứa con tinh thần của mình mang tên người khác.



Hai thái cực của sự "đạo"

Chưa bao giờ thơ ca lại "lép vế" như hiện nay, cũng như chưa bao giờ việc in thơ dễ dàng như bây giờ. Những tưởng "rẻ rúng" thế thì không có chuyện lấy thơ của người làm thơ của mình. Nhưng không, có rất nhiều lý do cho thấy thơ ca đang trở thành một thứ trang sức cho một số người. Tình trạng đạo thơ đang diễn ra phổ biến, thậm chí đã xuất hiện một danh từ mới là "chép giả" (không phải tác giả) để chỉ những người có hành vi xấu này. Ngay cả những nhà thơ tên tuổi, được bạn đọc dõi theo, từ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu đến Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa… cũng bị "trộm" thơ. Đến nay, ngay trên mạng, bài thơ "Làm anh khó đấy" của Phan Thị Thanh Nhàn, vốn được đưa vào sách giáo khoa, vẫn "được" mang tên người khác. Có những bài thơ mới xuất hiện nhưng được bạn đọc yêu thích, như "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến cũng "được" một thầy giáo ở An Giang xào lại rồi đem đăng báo địa phương… Khó tưởng tượng hơn nữa là bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng, từng được khắc ở bia tưởng niệm mà vẫn có người chép rồi gửi đăng báo…

Vì sao lại có nhiều người làm cái việc rất dễ bị phát hiện, nhất là trong thời buổi truyền thông mạng như hiện nay? Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: "Đa số đạo thơ là những người làm thơ không chuyên, nhiều người nhận thức dễ dãi một cách khó tin. Tôi từng hỏi một tác giả rằng vì sao lại lấy bài thơ của Hàn Mặc Tử để in vào tập thơ của mình, tác giả này trả lời rất hồn nhiên: Vì thấy thích thì đưa vào thôi!".

Một khía cạnh khác của câu chuyện đạo thơ, gắn liền với chuyện bếp núc của giới sáng tác mà nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương phân tích, là tình trạng sử dụng vô thức những câu chữ của người khác do những câu từ đó đã đi vào tiềm thức của họ, trở thành cảm xúc riêng. Đó là tình huống mà ngay cả người làm thơ có nghề, ngay thẳng cũng có thể mắc phải. Sự ảnh hưởng của các ý tưởng, câu chữ trong thi ca nói chung cũng là vấn đề mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng đề cập tới. Trong đó, ông nhấn mạnh đến sự lao động sáng tạo của nhà thơ để vượt thoát khỏi những ảnh hưởng này, thậm chí là từ những ảnh hưởng này mà tạo ra thứ riêng có của mình.

Tuy nhiên, theo nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương, ý tứ nói trên cũng không thể biện hộ cho hành động sử dụng, nhặt nhạnh ý tưởng, câu chữ của người khác làm của mình.

Một nhánh của thói quen "xài chùa"

Thơ ca giờ đây không còn là thứ "gối đầu giường" của thanh niên như một thời đã xa, cũng không còn là ấn phẩm "hot" trên các giá sách, nhưng điều đó không có nghĩa là ta được quyền "nhân bản" vô tư hay xuất bản tự do những tác phẩm thơ ca chép lại của người khác. Hơn nữa, khi mà người thầy giáo cũng lấy thơ của người khác, đề tên mình vào rồi đem gửi đăng báo, khi mà cả học sinh cũng "mượn" thơ của tác giả nổi tiếng cả nước để dự cuộc thi thơ cấp tỉnh thì có nghĩa vấn đề đã vượt ra khỏi câu chuyện bản quyền văn chương thông thường. Có ý kiến cho rằng, "đạo" thơ là "một nhánh" của thói quen "xài chùa" hiện nay, điều gì sẽ xảy ra khi nhánh này được tự do phát triển? Nó sẽ nảy ra những nhánh vi phạm mới hay sẽ lớn mạnh để đâm rễ, lan tỏa cái tiêu cực ra những lĩnh vực khác?

Dù gì thì sự "đạo" cũng gây ra hệ lụy xấu đối với việc xây dựng nhân cách con người, nhất là trong môi trường hội nhập quốc tế, cần phải loại bỏ khỏi đời sống thi ca. Các nhà thơ chân chính, những người bị "đạo" không chỉ thể hiện sự mong muốn Hội Văn học nghệ thuật địa phương tham gia tuyên truyền về việc tôn trọng quyền tác giả văn học, mà cần có động thái quyết liệt thay vì "chín bỏ làm mười" khi nhận được lời xin lỗi và động thái "sửa sai" từ phía vi phạm - cách phản ứng mà nhiều người đã thể hiện. Đối với các đơn vị có trách nhiệm, khi phát hiện ra việc vi phạm tác quyền thì ít nhất, như NXB Văn học đã làm vừa qua, phải nhanh chóng liên hệ với các tác giả để làm rõ vấn đề và trả lời công khai trên truyền thông, xử lý ấn phẩm vi phạm…

Sự "đạo" làm hoen ố hình ảnh thơ ca, khiến cho lòng nhiệt tình của giới sáng tác bị ảnh hưởng, có thể khiến lượng bạn đọc trung thành với thơ sa sút niềm tin. Bởi vậy, cả phía có trách nhiệm bảo vệ tác quyền và nhà thơ, các nhà xuất bản cần có thái độ cương quyết đối với những "chép giả" thời hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể “chín bỏ làm mười”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.