(HNM) - 10 ngày sau sự kiện Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ngày 11-8, Đoàn công tác Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới (UBDSTG) đã báo kết quả của kỳ họp với Hội đồng Tư vấn lập hồ sơ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (TT HTTL) và giao lưu trực tuyến với khán giả tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Mở ra xu thế mới
Một góc Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Quang Xuân
Trả lời câu hỏi của bạn Đặng Minh Lan, ở địa chỉ minhlan1978@yahoo.com về việc chúng ta đã tuyên truyền, vận động như thế nào để Khu TTHTTL được công nhận là DSVHTG, ông Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho hay: "Chúng ta đã lấy chính những giá trị ẩn chứa trong lòng di sản để "thuyết minh" cho di sản chứ không phải chúng ta dùng tiền để mua danh hiệu hay đi xin danh hiệu". Ông Châu cho biết thêm, các chuyên gia của UNESCO thẩm định một di sản văn hóa thường căn cứ vào những cái đang tồn tại hiện hữu, nhìn thấy được, sờ thấy được, song những yếu tố "vật chất" này đối với di sản TTHTTL không còn nguyên vẹn nên mới có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về di sản Hoàng thành. Vì thế, để chứng minh giá trị của Khu TTHTTL, một mặt các đại biểu của Việt Nam tham dự phiên họp lần thứ 34 kiên trì bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn và tính xác thực của di sản; mặt khác giải thích cho các đoàn nước khác rằng, giá trị của di sản HTTL không chỉ ở những di tích trên mặt đất hay những hiện vật khảo cổ học mà nó nằm ở những tầng văn hóa sâu xa, lắng đọng, kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, của nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á. Nhờ đó, hồ sơ Khu TTHTTL đã được 18/21 quốc gia thành viên UBDSTG ghi nhận.
Việc đưa Khu TTHTTL vào bản đồ DSVHTG cũng đã mở ra một xu thế mới khi xem xét công nhận một di sản của UNESCO, đó là sự ghi nhận giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần ẩn chứa trong lòng một di sản hiện hữu - ông Châu khẳng định.
Bảo tồn để phát huy giá trị
Khi đã được thế giới khẳng định và tôn vinh, Khu TTHTTL trở thành tài sản của cả nhân loại, vì thế các ngành chức năng sẽ làm gì và làm như thế nào để giá trị của di sản được phát huy ngày càng tốt hơn là mối quan tâm của hầu hết các nhà khoa học cũng như công chúng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Thành phố đang phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thành quy hoạch tổng thể khu di tích gắn với quy hoạch chung của thành phố. Trên cơ sở quy hoạch chung đó, thành phố sẽ có phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo từng năm, từng giai đoạn. Trước mắt, thành phố giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng hoàn thiện việc chỉnh trang sân, vườn trong khu di tích xong trước ngày 15-9 để tổ chức trưng bày hoa, cây cảnh, hiện vật phục vụ người dân và du khách tham quan trong dịp Đại lễ. Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội sẽ in ấn các tài liệu giới thiệu về những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu TTHTTL, đặt thêm nhiều biển báo hướng dẫn khách tham quan.
Đồng tình với kế hoạch trên, song Giáo sư Phan Huy Lê khuyến cáo: Bằng chứng rõ nhất để khẳng định giá trị Khu TTHTTL chính là các hiện vật khảo cổ học. Những hiện vật này được "bảo quản" trong lòng đất hàng trăm năm nên khi đã khai quật dễ bị biến dạng hoặc thay đổi, đòi hỏi phải có phương pháp bảo quản khoa học, trong khi chúng đang được "trú" tạm thời trong một ngôi nhà có mái che. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, thành phố Hà Nội cần dành nguồn kinh phí thích đáng cho việc bảo quản các hiện vật khảo cổ học.
Dưới góc độ là một chuyên gia, ông Phạm Sanh Châu cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản HTTL cần một quá trình lâu dài, nhưng nếu biết tận dụng danh hiệu DSVHTG để phát triển du lịch, danh hiệu sẽ mang lại nguồn lợi ít nhất 500 triệu USD cho HTTL. Nguồn kinh phí này sẽ dành cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản bởi đa số DSVHTG đã làm được như vậy. Ở Việt Nam, các di sản như Huế, Hội An, Vịnh Hạ Long cũng đang phát huy tốt giá trị danh hiệu mà họ được trao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng: Cam kết thực hiện các khuyến nghị của UNESCO Dựa trên 6 khuyến nghị của UNESCO đối với Di sản Khu TTHTTL, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Di sản văn hóa xây dựng phương án bảo tồn các giá trị văn hóa; có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản và từng bước xây dựng điều lệ quản lý khu di sản. Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu: Trách nhiệm của chúng ta là rất lớn Chúng tôi đã làm một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước đánh giá tác động nhiều chiều của một DSVH được công nhận. Kết quả cho thấy, chúng ta được hưởng lợi rất nhiều từ di sản đó, ví như lòng tự hào dân tộc được nâng lên, lợi ích kinh tế được nâng lên, hành lang bảo vệ cũng chắc chắn hơn, song trách nhiệm cũng không ít bởi di sản chịu sự theo dõi gắt gao của UNESCO. Nếu chúng ta không tuân thủ đúng nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản như đã cam kết, UNESCO sẽ đưa ra khuyến nghị. Nếu khuyến nghị đó vẫn không được thực hiện, UNESCO sẽ nhắc nhở rồi đưa vào danh sách cảnh báo đỏ. Khi đã vào danh sách cảnh báo đỏ mà di sản vẫn tiếp tục bị xâm hại, di sản sẽ bị tước danh hiệu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.