(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,93% so với tháng trước và 8 tháng đầu năm 2011 tăng 17,64% so cùng kỳ năm 2010.
Mặc dù CPI tháng 8 đã "hạ nhiệt", nhưng nhìn chung từ đầu năm đến nay sự tăng giá khá cao của một số nhóm hàng đã cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý cần có cái nhìn thận trọng hơn về thị trường.
Bởi mức độ khó khăn về đời sống của người dân vẫn tiếp tục tăng lên. Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông - lâm nghiệp và thủy sản những tháng đầu năm nay tăng 27,6%, trong khi giá bán sản phẩm hàng công nghiệp chỉ tăng 16,7%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng giá, nhưng một nguyên nhân không thể xem nhẹ là giá thành sản xuất tăng do tăng giá một số loại chi phí "đầu vào" chủ yếu. Do đó, nếu lấy CPI là thước đo khó khăn của người dân thì các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay còn khó khăn hơn nhiều.
Có ý kiến cho rằng cần tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ khoảng 13-14%. Song ý kiến khác lại cho rằng, đến cuối năm cần mở ra cho đủ "dư địa" của tăng trưởng tín dụng (20%). Bởi dư địa của chính sách này còn khá nhiều và điều quan trọng hơn là từ đầu năm đến nay ngành chức năng mới quyết liệt chống lạm phát ở phần "ngọn" mà chưa giải quyết được phần "gốc". Việc thắt chặt tiền tệ về bản chất là tác động vào quan hệ giữa tiền tệ - hàng hóa, lượng tiền nhiều hơn lượng hàng hóa sản xuất ra. Và "gốc" của vấn đề là từ khâu sản xuất và quan hệ cung - cầu sản phẩm. Việc cắt giảm đầu tư công ở những dự án chưa thật cần thiết là đúng, vì đầu tư công không hiệu quả, thay vì thúc đẩy sản xuất đầu tư công lại trở thành nguyên nhân gây lạm phát, dẫn đến bất ổn vĩ mô ngày càng trầm trọng. Do đó, "gốc" của lạm phát và các bất ổn vĩ mô khác là do nền sản xuất quá yếu kém, nay lại liên tiếp gặp khó khăn, nên không chỉ khiến các DN nhỏ và vừa mà cả những DN lớn cũng gặp khó khăn. Nếu kéo dài tình trạng này có thể khiến những bất ổn vĩ mô ngày càng trầm trọng. Các ngân hàng đang giảm lãi suất chỉ còn 17-19%/năm. Đây là việc làm cần thiết, nhưng phải thận trọng, vì không thể cào bằng và cũng không nên ưu tiên giảm lãi suất cho một số ngành khi chưa tính toán kỹ lưỡng xem ngành nào có độ lan tỏa đến sản xuất nội địa cao, đến nhập khẩu thấp sẽ được ưu tiên hơn các nhóm ngành khác... Không làm tốt vấn đề này, việc giảm lãi suất sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.