(HNM)- Gần 20 năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) đã gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những phân tích, đánh giá mặt được cũng như tồn tại để các KCN-KCX hoạt động hiệu quả hơn…
Lan tỏa nhanh...
Sản xuất tại KCN Bắc Thăng Long. Ảnh: Yến Ngọc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 250 KCN, KCX được triển khai tại 57 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 170 khu đã hoạt động, số còn lại đang xây dựng. Các KCN đã thu hút khoảng 8.500 dự án trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký 70 tỷ USD; đồng thời thu hút 1,5 triệu lao động trực tiếp và đóng góp hơn 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc. Đáng lưu ý, các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã có hơn 3.800 dự án với số vốn đăng ký 52 tỷ USD. Các doanh nghiệp (DN) ĐTNN có trình độ công nghệ cao, đã cho ra đời những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, thuộc những ngành quan trọng có sức lan tỏa với nhiều ngành khác, như cơ khí, điện tử - bán dẫn, linh kiện máy tính, tự động hóa…
Hầu như các tỉnh, thành phố có điều kiện đều có chủ trương xây dựng và vận hành các KCN, KCX. Nhiều địa phương coi phát triển KCN, KCX là bước đột phá trong quá trình CNH-HĐH, từ đó ưu tiên về cơ chế, chủ trương hỗ trợ nhà đầu tư nhằm tạo ra những điều kiện tốt hơn trong việc thu hút vốn đầu tư trên địa bàn. Thông qua các dự án triển khai, mỗi tỉnh đều nâng cao nguồn thu, tạo thêm việc làm tại chỗ và nguồn thu nhập cho nhiều người và nhờ đó ổn định đời sống xã hội, giữ vững an ninh - trật tự. Đã có một số tỉnh, thành phố được đánh giá là thành công trong việc thu hút vốn vào KCN, như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Quá trình thu hút vốn chính là tạo ra lực đẩy để mỗi địa phương thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP, từ đó đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH. Cũng nhờ phát triển tốt KCN, KCX mà kết quả thu ngân sách hằng năm ở mỗi địa phương luôn ổn định và có xu hướng tăng, tạo thế chủ động cho hoạt động chi và phát triển các lĩnh vực khác. Ngoài ra, không ít KCN, KCX đã xây dựng trường dạy nghề để dạy, bổ túc nghề cho công nhân bên cạnh việc đào tạo ngay trong nhà máy, xí nghiệp, nên gần 20 năm qua cả nước đã hình thành và được bổ sung thường xuyên một đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân có tay nghề cao, đồng thời góp phần vào việc nâng cấp trình độ nguồn nhân lực trên diện rộng...
Những bất cập cần sớm khắc phục
Tuy nhiên, quá trình phát triển KCN, KCX cũng bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm khắc phục. Trong đó, các cơ chế, chính sách quản lý và điều chỉnh hoạt động của các KCN, KCX chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ hoặc không còn phù hợp thực tế. Đó là tình trạng chậm triển khai của một số khu do vướng hoặc cần điều chỉnh so với quy hoạch vùng, địa phương; chậm giải phóng mặt bằng; chậm lấp đầy diện tích do chậm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hoặc thiếu đồng bộ dẫn đến lãng phí nguồn quỹ đất; các vấn đề về ưu đãi, thuế, định giá thuê đất, xác định suất đầu tư, phí dịch vụ chưa hợp lý; quy định về tiêu chí và điều kiện thành lập KCN mới chưa phù hợp thực tế, thiếu quy định chặt chẽ về lao động nước ngoài…
Theo ngành chức năng, việc tập trung một lượng lớn công nhân ở các KCN, KCX, nhất là ở khu vực các tỉnh phía Nam một cách cơ học lại diễn ra trong thời gian ngắn đã gây quá tải về hạ tầng xã hội. Hiện trạng nhà ở, điện, nước, các trang bị - vật dụng cho sinh hoạt đời thường của người công nhân không đủ hoặc ở mức tối thiểu, nhất là tình trạng mất vệ sinh môi trường. Các chuyên gia cho rằng, cần có quy định cụ thể để vận động nhà đầu tư đóng góp vốn xây dựng nhà ở, các công trình liên quan như trạm xá, trường học, thư viện, khu sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó, không ít KCN, KCX là nguyên nhân gây ách tắc hoặc quá tải cục bộ đối với giao thông đường bộ. Việc tắc cầu, đường khu vực quanh KCX Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) và cảng Sài Gòn là ví dụ điển hình, ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị, nhất là thiệt hại về thời gian, vật chất cho cả DN và xã hội. Ngoài ra, các KCN, KCX cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước, đe dọa cuộc sống của hàng triệu hộ dân và hơn thế nữa là phá hủy sự bền vững của môi trường sống trong tương lai. Đây là cái giá phải trả rất lớn, không dễ nhận thấy ngay, lại càng không thể quy đổi thành tiền. Đó là mặt trái trong phát triển hệ thống KCN trong bối cảnh hoạt động quản lý nhà nước chưa thật sự hiệu quả, trong khi các DN chưa tự giác thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhiều địa phương còn tâm lý cả nể cũng như mong lấp đầy các KCN trên địa bàn bằng mọi giá. Gần đây, với sự ra đời của lực lượng cảnh sát môi trường cùng với ý thức bảo vệ môi trường ở địa phương, tình trạng gây ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể. Song việc đưa ra những quy định bắt buộc với DN trong bảo vệ môi trường vẫn là yêu cầu quan trọng hàng đầu và lâu dài. Trên cơ sở đó phải có chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc trừng phạt, thậm chí rút giấy phép đơn vị vi phạm để giải quyết dứt điểm vấn nạn trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.