(HNM)- Chấn thương, khủng hoảng trên hàng công do sự thiếu vắng của các chân sút chủ lực, rồi kém may mắn… Đấy có thực sự là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của ĐTVN hay không?
Giọt nước mắt của tuyển thủ Việt Nam trước thất bại cay đắng với Malaysia. Ảnh: Minh Hoàng
Câu trả lời là không, nếu chúng ta tĩnh tâm nhìn lại toàn bộ quá trình chuẩn bị và bước vào giải của ĐTVN. Thực tế không thể phủ nhận, việc Công Vinh, Văn Quyến rồi Việt Thắng bị chấn thương không thể thi đấu đã ảnh hưởng đến hiệu suất ghi bàn của ĐTVN. Nhưng nếu so với Singapore, Thái Lan hay thậm chí cả Malaysia, HLV Calisto vẫn còn quá nhiều thuận lợi. Thái Lan chỉ có đúng 3 ngày để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup. Về lực lượng, HLV Bryban Robson phải triệu tập trở lại cả tiền vệ Chaiman, vốn đã từ lâu không được nhắc đến tên. Singapore, một tiền đạo đã quá tuổi tứ thập như Duric vẫn phải miệt mài cày ải trên hàng công. Với Malaysia, đội quân trẻ của HLV Rajagobal trước giải chỉ được đánh giá như một chú "ngựa ô". Không hơn. Trong khi đó, HLV Calisto nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các cổ động viên (CĐV) trên sân nhà. ĐTVN cũng có thời gian chuẩn bị lâu nhất so với các đối thủ, 3 tháng. Ở đây cần nhắc thêm, Việt Nam là một trong các đội bóng được ưu ái nhất, nếu xét về mặt tiền bạc. Con số 7 tỷ đồng tiền thưởng chỉ là mức ban đầu. Nếu đoạt chức vô địch, thầy trò HLV Calisto sẽ bỏ túi không dưới 10 tỷ đồng. Chỉ riêng trận thắng Singapore ở vòng bảng, ĐTVN đã được thưởng gần 2 tỷ đồng.
Ở đây có một lý do mà những người trong cuộc phần nào đã thừa nhận, là cách tiếp cận trận đấu của ĐTVN, hay chính xác hơn, của HLV Calisto ở AFF 2010 là "có vấn đề". Điều này có thể được lý giải qua giải thích của Chủ tịch LĐBĐ VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ: "Có thể do ĐTVN bước vào giải với tư cách ĐKVĐ nên HLV Calisto muốn chúng ta chơi theo cách áp đặt được đối phương, thi đấu đẹp mắt hơn chứ không chơi phòng ngự, phản công như năm 2008". Tiền vệ Tài Em cũng thừa nhận khi cho rằng, "sai lầm của ĐTVN là khi tiếp cận trận đấu đã muốn "ăn", giải quyết ngay các đối thủ. Vì ĐTVN là nhà vô địch nên HLV Calisto không muốn chúng ta đá rình rập, phản công như trước mà phải chủ động hơn, áp đặt lối đá của mình lên đối phương". Dẫn chứng được Tài Em đưa ra là trận đấu với Philippines ở vòng bảng, do nôn nóng giành vé sớm, ĐTVN đã dâng lên mải mê tấn công, để rồi bị "dính" phản công của đối phương. Tương tự là trận đấu bán kết lượt đi với Malaysia tại sân Bukit Jalil. Dù lực lượng đang bị tổn thất (Trọng Hoàng bị phạt thẻ, Tài Em, Quang Thanh, Việt Cường chấn thương), nhưng HLV Calisto vẫn "xua" quân dồn lên tấn công. Kịch bản tương tự như trận gặp Philippines đã tái diễn, khi Malaysia đã tận dụng sự sơ hở của hàng phòng ngự ĐTVN, giành chiến thắng 2-0. Những nỗ lực sau đó trên sân Mỹ Đình đã trở nên muộn màng.
Rõ ràng, xét cả về thời cơ và lực lượng, ĐTVN không hề yếu hơn so với các đối thủ chính, nếu không muốn nói, mạnh hơn. Chuyện thiếu may mắn, chấn thương, hay trọng tài… chỉ là một cách biện hộ cho thất bại của thầy trò ông Calisto. "Không HLV nào có thể thắng ở mọi giải đấu" - ông Calisto đã phát biểu như vậy sau trận hòa Malaysia 0 - 0 ở Mỹ Đình. Nhưng phải giải thích thế nào khi Malaysia, chỉ với một "ông giáo làng" như Rajagobal, cùng các học trò trẻ cả tuổi đời lẫn kinh nghiệm sân cỏ, lại đánh bại đội quân từng vô địch AFF 2008 của HLV Calisto? Có lẽ cũng nên nhìn nhận lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.