Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không rõ trách nhiệm quản lý thuộc ngành nào

Đan Nhiễm| 06/04/2010 07:11

(HNM) - Trong lúc người tiêu dùng đang bán tín, bán nghi về chất lượng hộp xốp đựng thực phẩm đang bán trên thị trường có bảo đảm hay không thì các cơ quan chức năng lại có nhiều ý kiến rất khác nhau về việc đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý.

Ngành nào cũng... "không phải tôi"

Trả lời báo giới, một lãnh đạo của Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, bộ này chỉ chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm hóa chất có trong những mặt hàng gia dụng và mặt hàng tiêu dùng. Còn hộp xốp dùng để đựng đồ ăn được xếp vào mặt hàng chứa thực phẩm, thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế. Trong khi đó, có người lại cho rằng, việc quản lý hộp xốp lại thuộc quyền của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TĐC), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Những thông tin này, cộng với việc người tiêu dùng Trung Quốc đã được khuyến cáo là không nên dùng hộp xốp sau cuộc điều tra kéo dài 9 năm khiến nhiều bà nội trợ không ít lo lắng.

Chiều 5-4, trao đổi qua điện thoại với ông Vũ Văn Diện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC, ông Diện cho biết: "Tôi đang đi công tác vắng nhưng cũng có nghe phản ánh về vấn đề này qua báo chí. Về vấn đề hộp xốp thì trách nhiệm phải thuộc về Bộ Y tế vì những gì liên quan đến thực phẩm là thuộc ngành này quản lý. Các anh cứ trao đổi qua chỗ anh Khẩn (tức ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế - PV) thì sẽ rõ"... Trong khi đó, ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng 3 (thuộc TĐC) cho báo giới biết rằng, các loại bao bì nhập khẩu tiếp xúc trực tiếp với thức ăn đều phải qua kiểm tra độc tố. Còn loại hộp xốp sản xuất trong nước vẫn chưa có sự kiểm soát. Theo ông Lâm, đối với mặt hàng này, cần kiểm tra từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chứ không thể chỉ kiểm tra khi hàng đã lưu thông ngoài thị trường.

Ông Phạm Trung Chính (Phó Chi cục trưởng Chi cục TĐC Hà Nội) khẳng định: Tất cả những gì liên quan đến thực phẩm, kể cả vấn đề bao bì lẫn mỹ phẩm thì từ trước đến nay ngành y tế vẫn theo dõi. TĐC Hà Nội cũng chưa thấy có đơn vị sản xuất hộp xốp nào đến đăng ký chất lượng. Sở dĩ nói ngành y tế quản lý hộp xốp là theo quy định phân cấp của Chính phủ trong thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

"Lỗ hổng" từ đâu?

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2008 và đến ngày 31-12-2008, Chính phủ đã có Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nêu trên. Đây chính là căn cứ để xác định hộp xốp thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nào, nhưng khi tìm hiểu cả luật và nghị định thì sự "đá bóng" trách nhiệm giữa các ngành là hoàn toàn có cơ sở.

Theo Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, có đến 15 bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, mà trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ KHCN. Cụ thể: Bộ Y tế quản lý lĩnh vực: Y dược cổ truyền; sức khỏe cộng đồng; vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm (...); hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng... Bộ Công thương quản lý lĩnh vực sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác theo quy định của pháp luật... Bộ KHCN quản lý các lĩnh vực không thuộc quản lý của các ngành khác và đối với thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân, nguồn phóng xạ, phương tiện, dụng cụ đo lường và các sản phẩm hàng hóa khác... Rõ ràng, sẽ khó có kết luận chính xác cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý hộp xốp nếu dựa vào văn bản nêu trên.

Theo một số nhà sản xuất, hộp xốp được chế tạo từ vật liệu chính là các màng nhựa có tên gốc là polystyren (PSp) chịu nhiệt phân tử thấp. Để làm dôi sản phẩm, nhiều đơn vị đã trộn thêm các khoáng chất, dầu… Tự thân polystyren không độc nhưng các nhà sản xuất vẫn trộn thêm phụ gia theo mục đích riêng (ví dụ: dầu hóa dẻo để tăng tính dẻo, chống giòn hoặc cho một khoáng chất nào đó để tăng tính chịu nhiệt). Những chất phụ gia này có thể gây độc trong điều kiện có chất xúc tác như nhiệt độ cao hay gặp muối mặn, axit… Khi đó, các chất polystyren rất dễ giải phóng ra monostyren (chất đơn phân tử ciren) gây độc cho con người, làm tổn hại đến gan.

Có lẽ vấn đề hộp xốp chỉ là phần nhỏ trong câu chuyện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở Việt Nam hiện nay. Nói như ai đó thì nó như một bản nhạc không thuộc trường phái nào khi thiếu cả nhạc trưởng lẫn nhạc công! Và người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài cách trấn an mình bằng câu nói muôn thuở "Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái"!

Chưa phát hiện trong hộp xốp có chữ Trung Quốc chứa chất gây độc

(HNM) - Ngày 5-4, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong hơn 30 mẫu hộp xốp đã xét nghiệm cuối tuần qua, bao gồm cả mẫu hộp xốp có chữ Trung Quốc (như Hànộimới đã đưa tin) thì độ thôi nhiễm polystyren đều dưới ngưỡng cho phép 8.000-10.000 lần. Các dấu hiệu cặn kim loại cũng ở ngưỡng an toàn. Ngoài ra, cũng không phát hiện vi khuẩn (ecoli, tụ cầu...) ở các mẫu hộp xốp được xét nghiệm. Cục sẽ tiếp tục kiểm nghiệm các loại hộp xốp, dụng cụ chứa đựng thức ăn đang có trên thị trường.

Tùng Linh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không rõ trách nhiệm quản lý thuộc ngành nào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.