(HNM) - Thế là giá cả các hàng hóa
Tại cuộc họp báo chiều 2-3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ lúc này vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu tăng trưởng không còn là ưu tiên số 1. Chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công... và tăng chính sách cho người nghèo, ví dụ như hỗ trợ giá điện.
Vẫn biết, rồi sẽ có thêm nhiều ban, bệ để kiểm tra, giám sát xem hộ nào thực sự thuộc diện nghèo, chỉ sử dụng điện dưới 50kwh/tháng để được hỗ trợ. Nhưng, khi giá cả mọi hàng hóa đều tăng đến chóng mặt, nỗi lo của người nghèo sẽ vợi được bao nhiêu?
Chính phủ luôn ưu tiên vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng ngay với những ngân hàng có cơ cấu tín dụng nông nghiệp cao, thì dự trữ bắt buộc luôn được đặt ở mức rất thấp, thậm chí có ngân hàng còn hầu như không có. Như thế, chẳng lẽ người nông dân lại quá khó khăn khi tiếp cận với nguồn tín dụng này? Để người nghèo vui vì được vay vốn tín dụng, câu trả lời phải chăng từ chính các ngân hàng?
Giá lúa đã tăng, giá nhiều mặt hàng nông sản cũng đã tăng, nhưng liệu sản phẩm từ người nông dân trồng lúa, làm vườn sẽ được bảo đảm ổn định tới đâu? Bởi giá cao đâu phải đã dễ bán được hàng khi mà những hệ thống thu mua tầng nọ, nấc kia luôn tìm mọi cách "ép" người nông dân bán, sao để họ lãi to. Hình như, tiếng nói của các Hiệp hội luôn lọt thỏm giữa vòng xoáy cạnh tranh đầy khốc liệt.
An sinh xã hội sẽ được bảo đảm nếu có sự chung tay, góp sức từ mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp. Bởi, các chính sách, quyết định mang tầm vĩ mô khi có tác động lớn đến tâm lý xã hội, sẽ làm thức dậy trong mỗi con người những giá trị nhân bản mà mình cần góp. Như thế, người nghèo sẽ vui hơn khi họ biết mình không bao giờ bị lãng quên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.