(HNM) - Cuối tháng 7, đầu tháng 8, cả ba nhà cung cấp dịch vụ chiếm thị phần khống chế (Viettel, Mobifone, Vinaphone) lần lượt giảm cước di động. Việc này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là không chỉ đem lại quyền lợi cho khách hàng, mà còn góp phần hạn chế đua khuyến mãi gây thất thu cho doanh nghiệp. Nhưng, thực tế có phải như vậy?
Với mức giảm cước tới 10-15%, mạng Viettel tiên phong giảm cước di động từ ngày 26-7-2010, trong đó dịch vụ trả sau là 890 đồng/phút gọi nội mạng và 990 đồng/phút gọi ngoại mạng; gọi trả trước 1.190 đồng/phút… Hai nhà mạng Mobifone, Vinaphone tuy phải đến ngày 10-8 mới giảm cước, nhưng giá thành rẻ hơn 10 đồng/phút ở các hạng mục so với Viettel. Đáng chú ý, đợt giảm cước này diễn ra sau gần 1 tháng kể từ ngày 1-7, khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) "siết chặt" khuyến mãi - được dự đoán là ảnh hưởng đến tốc độ phát triển thuê bao mới của các nhà mạng. Nhưng, ngay sau đó, thông tin cho thấy các nhà mạng tỏ ra lạc quan vì cước giảm đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển thuê bao mới trong tháng 7 của cả 3 "đại gia" kể trên.
Song, có một thực tế, trước thời điểm ngày 1-7, để "chạy" quy định "siết chặt" khuyến mãi, cả 3 nhà mạng kể trên đã lần lượt có chương trình tặng tài khoản nhân 3 cho thuê bao mới hòa mạng. Tranh thủ thời cơ này, nhiều chủ đại lý sim, thẻ điện thoại đã kích hoạt sẵn sim rồi "găm" hàng chờ sau ngày 1-7 mới bán ra thị trường. Vì thế, tuy thực hiện theo quy định của Bộ TT-TT về khuyến mãi, nhưng người tiêu dùng vẫn không khó lắm để mua những chiếc sim giá chỉ 65.000 đồng, tài khoản có 160.000 đồng, thậm chí còn mua được sim có tài khoản cực lớn với 270.000 đồng (tùy theo mệnh giá bộ kit hòa mạng). Khách hàng được lợi là vẫn có thể mua sim giá cũ với tài khoản lớn, còn chủ đại lý vẫn bán hàng chạy để hưởng ăn chia hoa hồng với nhà cung cấp dịch vụ. Một ví dụ khác cho thấy, dường như việc "siết chặt" khuyến mãi của cơ quan quản lý không ảnh hưởng gì đến khách hàng. Theo quy định, doanh nghiệp không được khuyến mãi quá 50% giá trị hàng hóa. Nhưng, cứ dăm bữa nửa tháng, họ lại nhận được tin nhắn từ tổng đài của Viettel, Mobifone, Vinaphone nhắc nhở được tặng 100% giá trị thẻ nạp trong mốc thời gian cụ thể. Chỉ có cái khác duy nhất, đó là số tiền cộng thêm kia được chia làm hai và chỉ nằm trong 2 loại tài khoản khuyến mãi 1 và 2 (tùy theo cách làm của mỗi nhà mạng). Ngoài ra, việc 3 nhà mạng tăng cường khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp còn được lý giải là do số lượng sim kích hoạt tài khoản lớn trên thị trường đã dần hết, khách hàng vốn có thói quen chờ khuyến mãi sẽ bỏ mạng này để chạy đến mạng khác không bị khống chế vì quy định chiếm giữ thị phần, khiến cả 3 nhà mạng sẽ mất thuê bao, nên buộc phải tăng cường tặng 100% giá trị thẻ nạp. Để đối phó với đợt giảm cước di động của 3 "đại gia", có nhà mạng nhỏ đã giảm cước gọi nội mạng tới 40% và họ đã thu hút lượng thuê bao không nhỏ từ đợt giảm giá này…
Lý giải về việc "phá rào" quy định của cơ quan quản lý, đại diện các nhà mạng đều khẳng định, việc họ khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp nằm trong phạm vi quy định của Bộ TT-TT. Có nhà mạng còn phân tích, chiêu khuyến mãi của họ cơ bản là khác với lần trước, như yêu cầu thuê bao muốn được tặng 100% ưu đãi thẻ nạp thì tài khoản chính vẫn phải còn tiền… Có ý kiến còn cho rằng, quy định "siết chặt" khuyến mãi từ ngày 1-7 của Bộ TT-TT chỉ nhằm mục đích hạn chế thuê bao ảo, do các thuê bao liên tiếp dùng sim mới vì có tài khoản nhân 3... Vậy, trong khi nhà mạng vẫn khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp, cơ quan quản lý chưa xử lý, chỉ khách hàng là được lợi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.