(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người đăng đàn đầu tiên trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 22/11. Vấn đề “nóng” nhất trong phần chất vấn Bộ trưởng là vấn đề cung ứng điện và xả lũ vừa qua.
Trả lời chất vấn các đại biểu gửi đến kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng cho biết, tại kỳ họp trước, Bộ Công thương đã nhận được 29 chất vấn của đại biểu và đoàn đại biểu, liên quan đến điện lực, điều hành xuất nhập khẩu và quản lý thị trường hàng hóa trong nước. Bộ đã có văn bản trả lời tất cả.
Bộ cũng nhận được 80 vấn đề cử tri quan tâm từ Ban Dân nguyện chuyển tới, trong đó cũng liên quan đến điện lực, kích cầu, quản lý thị trường và một số vấn đề khác. Tính đến 31/8/210, Bộ đã hoàn thành trả lời các kiến nghị này.
Tại kỳ họp thứ 8, Bộ nhận được 42 phiếu chất vấn, liên quan đến điện lực, tình hình xuất nhập khẩu, khai thác bô-xít. Đến ngày hôm nay, Bộ đã cơ bản trả lời đầy đủ.
Không phủ nhận lũ dữ miền Trung gây thiệt hại nặng nề có phần do thủy điện
Chất vấn Bộ trưởng các vấn đề về điện có các đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng, Đoàn Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận, Vũ Quang Hải - Hưng Yên, Phạm Thị Thanh Hương - Bình Định, Nguyễn Văn Nhượng - Quảng Bình, Phạm Thị Loan - Hà Nội. Những chất vấn này xoay quanh nguyên nhân và giải pháp cho thiếu điện, quy hoạch ngành điện, điều hành giá điện, phát triển thủy điện.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2007 Thủ tướng đã phê duyệt tổng sơ đồ điện 6 cho giai đoạn 2006-2015, có tính đến 2020. Qua nửa thời gian thực hiện, bên cạnh một số kết quả đạt được, đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót mà lớn nhất là mùa khô vừa qua, tình hình thiếu điện diễn ra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu quy định trong tổng sơ đồ 6.
Theo mục tiêu của tổng sơ đồ này, đến năm 2015, các nhà máy phát điện phải có năng lực đạt 50.000MW công suất, nhưng hết 2010 mới đạt 20.900MW công suất, dự kiến đến 2015 chỉ đạt 80% kế hoạch.
Giải thích về lý do chậm thực hiện tổng sơ đồ 6, Bộ trưởng cho biết, không ít các công trình chậm tiến độ so với quy định của quy hoạch, chủ yếu là khó khăn trong thu xếp vốn, một số dự án đã hoàn thành nhưng khi đưa vào vận hành lại chưa ổn định (như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh…) và thời gian vận hành thử kéo dài, tình hình thiên tai, hạn hán kéo dài…
Thắc mắc của đại biểu về việc chưa thực hiện xong tổng sơ đồ 6 đã làm tổng sơ đồ 7, Bộ trưởng cho biết, tổng sơ đồ 7 là cho giai đoạn 2016-2030. Dự kiến đến 2013, Thủ tướng sẽ xem xét phê duyệt.
Bộ trưởng cũng khẳng định, chưa có thông tin chính thức nào nói rằng, một số nhà thầu trúng thầu các dự án nhiệt điện đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam như phản ánh của đại biểu Phạm Thị Loan.
“Khi tổ chức đấu thầu, bao giờ cũng nêu yêu cầu về kỹ thuật trước, tiếp đó mới là giá. Thực tế có một số nhà máy phát điện do Trung Quốc trúng thầu có khiếm khuyết kỹ thuật, nhưng chủ yếu rơi vào các thiết bị phụ, còn các thiết bị chính không có vấn đề. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo EVN bàn với nhà thầu khắc phục”, Bộ trưởng cho biết.
Làm rõ thêm chất vấn của đại biểu Phạm Thị Loan liệu rằng việc các nhà máy nhiệt điện có sai sót là do luật đấu thầu có những điểm bất cập, không còn phù hợp thực tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, nếu chúng ta thực hiện đúng tiến độ tổng sơ đồ điện 6 thì không thiếu điện. Thực tế là các nhà máy nhiệt điện thường chậm tiến độ từ 2-3 năm và về kỹ thuật có vấn đề nên khi đưa vào vận hành bị chậm.
“Vấn đề ở đây là năng lực của chủ đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, chứ không phải luật”, Bộ trưởng khẳng định.
Trở lại với giải đáp về nguồn than dùng cho các nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, mục tiêu của Việt Nam phát triển nhiệt điện là chủ yếu nên cần nguồn than rất lớn, than trong nước không đáp ứng đủ. Chính vì vậy, để điều tiết, các nhà máy từ miền Nam trở vào dùng than nhập khẩu, còn miền Trung trở ra bắc dùng than trong nước. Tuy nhiên, Chính phủ cũng xem xét cụ thể từng trường hợp, vói một số nhà máy miền Nam có thể dùng than trong nước thì đã dùng than trong nước.
Quanh ý kiến đại biểu cho rằng, Bộ trưởng phủ nhận mưa lũ miền Trung vừa qua gây hậu quả nặng nề không có phần trách nhiệm của các nhà máy thủy điện, Bộ trưởng khẳng định, Bộ trưởng chưa có câu trả lời nào khẳng định sự không liên quan của thủy điện tới mưa lũ ở miền Trung.
Theo Bộ trưởng, quy hoạch thủy điện nhỏ của cả nước có 230 dự án với tổng công suất 1500MW nhưng thực tế mới đang thực hiện 90 dự án với tổng công suất khoảng 500 MW. Phần nhiều dự án thủy điện nhỏ (dưới 30MW) ở miền Trung là không có chức năng điều tiết lũ do đặc trưng của sông ngòi của vùng này có độ dốc cao. Tuy nhiên, qua rà soát, có bổ sung các dự án tham gia điều tiết lũ một phần.
Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng quy hoạch quy trình vận hành liên hồ chứa, trong đó miền Trung có 2 quy hoạch quy trình vận hành hồ chứa. Các quy trình này được xây dựng theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho công trình và khi phải điều tiết lũ thì tham gia giảm và điều tiết lũ cho hạ du, tiếp đó mới là phát điện. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nhà máy thủy điện có một số vận hành chưa đúng quy trình. Bộ đã yêu cầu EVN kiểm tra và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý, tùy theo đó sẽ có biện pháp xử lý.
“Nếu các công trình thủy điện tuân thủ quy định của Nhà nước thì sẽ hạn chế tối đa thiệt hại mà thủy điện có thể gây ra”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, khi ban hành quy hoạch thủy điện nhỏ đã tham khảo địa phương. Quy hoạch thủy điện nhỏ phù hợp với quy hoạch điện lực đã được phê duyệt, quy hoạch phát triển tổng thể của địa phương và quy hoạch sử dụng đất và nước của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã có bất cập, không kịp đà phát triển nên Chính phủ đã xem xét, điều chỉnh quy hoạch.
Bộ trưởng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch và với những dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp mà gây ra thiệt hại lớn cho môi trường, phá nhiều rừng… thì kiên quyết dừng.
“Tôi hứa sẽ làm tốt hơn việc rà soát, đảm bảo công trình trong quy hoạch hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Về hỗ trợ người dân thiệt hại do mưa lũ vừa qua, trong đó có phần nào lỗi của các nhà thủy điện, Bộ trưởng khẳng định, nếu có lỗi của nhà máy nào thì nhà máy đó có trách nhiệm tham gia hỗ trợ. Được biết, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã tiếp nhận xem xét bồi thường của người dân.
Giải thích lý do thời gian qua Việt Nam phát triển thủy điện nhiều, Bộ trưởng cho biết là do nước ta được đánh giá có tiềm năng phát triển thủy điện và thủy điện là ngành năng lượng hoàn toàn sạch. Thực tế cho thấy, hệ thống thủy điện ở miền Bắc với phần lớn là các thủy điện có quy mô vừa và lớn đã góp phần giảm lũ cho hạ lưu, tăng khả năng phát điện, đảm bảo yêu cầu kinh tế, xã hội. Các thủy điện ở miền nam cũng làm tốt chức năng của mình. Như vậy, việc tận dụng ưu thế do thủy điện mang lại tương đối rõ, vấn đề là khắc phục mặt trái của nó.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ không hề xem nặng thủy điện, xem nhẹ các loại hình phát điện khác. Hiện các nhà máy phát điện khác cung cấp tới gần 60% nguồn điện. Khi tổng sơ đồ 6 xong thì tỷ lệ đóng góp của thủy điện còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng 30% và ở những tổng sơ đồ sau thì còn thấp hơn nữa.
Trở lại với các chất vấn về thiếu điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cảm ơn sự thông cảm của người dân trước thực trạng này. Bộ trưởng chia sẻ sự bức xúc của người dân về việc tiết giảm điện, việc cắt điện cũng có thời điểm, có nơi, có lúc chưa thực sự công bằng, thậm chí chưa rõ ràng, chưa minh bạch. Vừa qua Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã kiểm tra, chỉ đạo và yêu cầu những đơn vị cung ứng điện để xảy ra tình trạng này, trước hết là phải kịp thời chấn chỉnh và thứ hai là phải có lời xin lỗi đối với người dân ở khu vực đó.
Bộ trưởng cũng thống nhất, trong bối cảnh nếu còn có khó khăn về việc cung ứng điện mà buộc phải tiết giảm thì phải thực hiện công bằng, minh bạch hơn. Bộ đã yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam trong việc xây dựng phương án cung cấp điện năm 2011 cũng như các năm sau, đặc biệt trong giai đoạn có thể khó khăn như mùa khô, thì phải chủ động các phương án ứng phó và đặc biệt là chấm dứt không để tiếp tục tái diễn tình trạng cắt điện triền miên ở một khu vực hoặc kéo dài ở một địa bàn gây nên sự mất công bằng trong xã hội. Hiện nay, Tập đoàn điện lực Việt Nam đang chỉ đạo phương án này và sẽ báo cáo với Bộ để báo cáo với Chính phủ.
Về trình tự, thứ tự ưu tiên cung cấp điện trong trường hợp buộc phải tiết giảm, Bộ trưởng cho biết, việc lựa chọn thứ tự ưu tiên cung cấp điện thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, dù có sự xê dịch giữa địa phương này với địa phương khác thì những hộ quan trọng nhất, trong đó có bệnh viện, trường học, các cơ sở đầu não của địa phương, các cơ sở về an ninh, quốc phòng, các cơ sở sản xuất thiết yếu cũng phải được ưu tiên. Tiếp thu góp ý của các đại biểu, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa hơn.
Giải trình thêm về việc thiếu điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận trách nhiệm cá nhân, đồng thời làm rõ 5 nguyên nhân gây thiếu điện.
Thứ nhất, theo sơ đồ tổng 6, chúng ta phải xây dựng một số lượng nhà máy điện hết sức lớn với vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD mỗi năm. Chúng ta vẫn thiếu điện là do thiếu vốn. Từ 2006 đến nay, do vấp phải những khó khăn rất lớn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế trong nước và khu vực nên nhiều dự án chậm hoặc chưa thể triển khai.
Để đảm bảo vốn cho ngành điện, Chính phủ thường xuyên có điều hành, giao ban với các ngân hàng để đảm bảo vốn, tiến độ dự án. Tính đến hết năm 2010, việc thực hiện tổng sơ đồ 6 về nguồn điện có khả năng chỉ đạt khoảng 64%, về lưới điện là hơn 70%, như vậy là không đạt quy hoạch đề ra.
Thứ 2, vướng giải phóng mặt bằng. Để điều hành, đích thân các Thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng phải đi tới từng địa phương.
Thứ 3, giá điện trong nước so với các nước trong khu vực rất thấp, do đó không hấp dẫn được đầu tư, việc huy động vốn tư nhân là khó. Phó thủ tướng cho rằng, nếu không tháo gỡ được nút mắc về giá điện thì không cách gì đảm bảo đủ điện.
Thứ 4, năng lực chủ đầu tư và các nhà thầu, kể cả 1 số nhà thầu nước ngoài, là điểm yếu. Chính phủ đã chỉ đạo cải cách thủ tục về đầu tư xây dựng, giảm các thủ tục hành chính cho chủ đầu tư nhưng công tác chuẩn bị đầu tư để có các dự án đưa ra triển khai chuẩn bị thường rất chậm, các chủ đầu tư thường đợi có vốn rồi mới chuẩn bị đầu tư.
Thứ 5, ý thức tiết kiệm và trình độ công nghệ sử dụng điện của nước ta rất lạc hậu, hiệu suất, hiệu quả dùng điện chưa tốt.
Theo Phó thủ tướng, để khắc phục thiếu điện, cần phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các công trình đang thi công, thúc đẩy các dự án thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực điện đi liền với điều chỉnh giá điện; ban hành cơ chế giá điện gió trong tháng 12; chấn chỉnh chủ đầu tư và nhà thầu trong thực hiện dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ; tái cơ cấu ngành điện; tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…
Về tái cơ cấu EVN, Phó thủ tướng cho biết, cuối năm sẽ có giải pháp, mục tiêu sang năm sẽ đưa thị trường cạnh tranh về phát điện. Muốn vậy phải tách các nhà máy ra khỏi EVN, chỉ để lại một số nhà máy chiến lược.
Sau năm 2015 mới dần cân bằng được cán cân thanh toán
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm nay là năm đầu tiên nước ta có tốc độ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu. Dự kiến xuất tăng 23%, nhập tăng 19-20%. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, nhập khẩu vẫn tăng và nhập siêu vẫn đang là thách thức với nền kinh tế. Nếu tiếp tục nhập siêu như hiện nay thì sẽ gây nhiều tác động tới nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ luôn nỗ lực kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu.
Giải thích lý nhập siêu, Bộ trưởng cho biết, bởi Việt Nam đang trong quá trình phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu nên nhiều máy móc phải nhập và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu. Một số nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu cho sản xuất trong nước và gia công xuất khẩu, ví dụ như dệt may chỉ lo được khoảng 43% nguyên vật liệu trong nước, còn lại nhập ngoài. Như vậy, nguyên vật liệu và máy móc chiếm tới 93% tổng kim ngạch nhập khẩu, còn lại chưa đến 7% là hàng tiêu dùng thiết yếu như ô tô, hóa mĩ phẩm, điện thoại di động... Điều này cũng đồng nghĩa với thời gian tới, chúng ta vẫn phải duy trì việc nhập khẩu các mặt hàng đó, không thể giảm ngay một sớm một chiều.
Lý do tiếp theo khiến nhập siêu vẫn tiếp diễn là công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nên một số lĩnh vực vẫn phải duy trì nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng tăng lên cao, xuất khẩu nhờ đó cũng được lợi nhưng tốc độ tăng giá của các mặt hàng xuất khẩu không cao bằng mặt hàng nhập khẩu bên ngoài; một bộ phận nhỏ người dân vẫn thích dùng hàng nhập ngoại.
Để khắc phục nhập siêu, Chính phủ đề ra kế hoạch đến năm 2015 giảm tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu xuống khoảng 14%, sau năm 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thương mại, qua đó ổn định cán cân thanh toán, kinh tế vĩ mô.
Về chất vấn của các đại biểu liên quan đến nhập siêu với Trung Quốc, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã triển khai một số biện pháp để tăng xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc, qua đó giảm dần nhập khẩu và cân bằng cán cân thương mại. Sắp tới, Việt Nam sẽ ký kết quy hoạch phát triển thương mại 5 năm với Trung Quốc, nếu thực hiện đúng thì sẽ có nhiều biện pháp thúc đẩy cải thiện nhập siêu của Việt Nam. Đồng thời, Bộ đã làm việc và có ký kết thỏa thuận với Bộ Thương mại Trung Quốc, theo đó đề nghị phía Trung Quốc tăng cường việc nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mà Trung Quốc có nhu cầu, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc thông qua các Hội chợ, các triển lãm tại các địa phương cũng như của Trung ương...
Bộ trưởng cũng khẳng định, tới đây, phải đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, không nên quá tập trung vào một thị trường để tránh rủi ro. Việc quay trở lại các thị trường truyền thống cũ là phù hợp. Những thị trường tiềm năng như châu Phi, Nam Mỹ cũng cần được đẩy mạnh, tăng cường để diện xuất khẩu tăng mạnh, lan tỏa hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh về chính sách tăng cường sản xuất trong nước để khắc phục nhập siêu, Bộ trưởng cho biết, cuối năm 2007 chúng ta đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Năm 2008, Bộ Công thương cùng với các Bộ, các ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10 về chương trình sản xuất cơ khí trọng điểm, trong đó có chủ yếu quy định những ưu đãi về cơ chế, chính sách cho những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nằm trong nhóm sản xuất cơ khí trọng điểm. Chúng ta đã phê duyệt được một số đề án, trong đó có sản xuất cầu trục, cơ khí, động cơ Diezen v.v... đang triển khai bước đầu.
Bộ Công thương cũng đã phối hợp cùng với các ngành, ban hành danh mục những thiết bị máy móc, nguyên vật liệu trong nước sản xuất được để làm cơ sở cho các chủ đầu tư và các địa phương, các doanh nghiệp khi mua sắm thiết bị, kể cả trong đấu thầu quốc tế, tính đến việc sử dụng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu này, giảm bớt phần nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư căn cứ vào sự thỏa thuận với Bộ Công thương, các Bộ, các ngành về việc tiếp cận ngoại tệ cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư trong mua sắm máy móc, thiết bị theo hướng đối với những chủng loại đã sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng thì ưu tiên sử dụng trong nước, hạn chế nhập khẩu bên ngoài.
Về tổng thể, Bộ đang chuẩn bị hoàn thành báo cáo với Chính phủ Đề án về xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2015, trong đó có thêm nhiều biện pháp cụ thể hơn nữa để tăng cao tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu.
Dự án bô-xít Tây Nguyên an toàn
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc đặt nhà máy khai thác bô-xít ở địa bàn thiếu điện, nước có mâu thuẫn gì không, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc quyết định địa điểm đã được Chính phủ cân nhắc kỹ.
“Nếu thuần túy về hiệu quả kinh tế thì đúng là đặt nhà máy ở phía dưới biển sẽ cao hơn so với đặt ở gần khu vực khai thác. Nhưng cần xem xét hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội, vì lợi ích của đồng bào địa phương, cộng đồng tại đó, phải hi sinh nhiều cho công nghiệp khai thác nên cũng cần được hưởng lợi từ dự án, trước hết là lao động, việc làm. Do đó Chính phủ mới quyết định đặt nhà máy tại Tân Rai và Nhân Cơ”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, các hồ chứa nước đã có và hiện có đảm bảo cung cấp đủ nước cho dự án và sinh hoạt người dân. Còn về vấn đề thiếu điện thì dù đặt ở đâu cũng vẫn khó khăn và phải xử lý.
Về lo ngại hồ bùn đỏ có thể bị phá hoại bởi thế lực thù địch, Bộ trưởng cho biết, đây là công trình quan trọng về an ninh quốc gia nên các biện pháp bảo vệ an toàn phải cao và nghiêm ngặt hơn các công trình khác.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, theo Bộ trưởng, riêng với nhà máy Nhân Cơ, Bộ Công thương đã thẩm định hiệu quả, với sự tham gia của 18 nhà khoa học hàng đầu trong nước, với mức độ như thời điểm hiện tại về thuế xuất khẩu, phí môi trường, giá alumin, vốn đầu tư, chi phí vận chuyển… thì dự án có hiệu quả, tính cho đời dự án là 30 năm.
Cùng giải trình về dự án bô-xít Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, vừa qua, đoàn cán bộ của Việt Nam đã sang khảo sát tại Hungary, nơi vừa xảy ra sự cố hồ bùn đỏ. Sau khi đi khảo sát, Bộ nhận thấy có một số vấn đề lớn như sau:
Thứ nhất, về công nghệ, công nghệ của Hungari hiện nay là từ năm 1942, đến nay đã có 6 lần đổi mới công nghệ và công nghệ Việt Nam lựa chọn là công nghệ cuối cùng, tiên tiến nhất. Như vậy, với công nghệ thải ướt tiên tiến này, độ Ph của công nghệ thải ướt của Việt Nam là 10 - 11%, trong khi của Hungary là 13% nên tất cả những thiết bị và vận chuyển, thiết bị tái thu lại sút... với các công nghệ và vật liệu hiện nay hoàn toàn không bị ăn mòn.
Thứ hai, hồ bùn đỏ của Hungary xây dựng trên nền đất yếu, dựa vào đất á sét, không có hệ thống gia cố trong khi hệ thống á sét của Việt Nam như Hungary lại được làm thêm 5 lớp nữa: Lớp thứ nhất là vải địa kỹ thuật; Lớp thứ hai là Polyethylene; Lớp thứ ba là vải địa kỹ thuật; Lớp thứ tư trên đó còn một lớp đất sét 30 cm đan phân; Lớp thứ năm là lớp cát dày 50 cm. Do vậy, độ thẩm thấu của Việt Nam so với Hungari gấp hơn rất nhiều lần. Thành xây của Hungari làm từ năm 1942 bằng bê tông xỉ, không làm móng, xây quây tròn với độ cao 25m đến 30m từ trên mặt thẳng xây lên, ở nước ta thì xây trong thung lũng, 3 mặt là đồi và núi, ngoài ra còn được gia cố thêm.
Thứ tư, trong quá trình vận hành, bể chứa số 10 Hungary chứa 4,2 triệu mét khối, trong khi đó mỗi bể chứa của chúng ta chỉ có 0,6 đến 1,5 triệu mét khối. Như vậy, áp lực bể chứa của chúng ta giảm gấp 4 lần so với bể của Hungary.
Thứ năm, Hungarry chưa lường trước về các sự cố xảy ra nhưng ở Việt Nam đã lường trước những sự cố và nếu xảy ra thì hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn. Chưa đặt vấn đề kẻ địch phá hoại, nếu có một ngẫu nhiên gì mà vỡ đập chứa bùn thì hệ số mức độ an toàn của nhà máy vẫn bảo đảm làm sao để dung hòa được độ PH xuống 8.
“Với tình hình địa thế trong đó, với tình hình động đất đã khảo sát, với Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường đã phê duyệt và TKV thực hiện đúng như vậy thì vấn đề an toàn cho hồ bùn đỏ của nhà máy bô xit Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không có vấn đề gì trắc trở có thể xảy ra”, Bộ trưởng nói.
Các hàng hóa thiết yếu tiếp tục được đảm bảo
Lý giải nguyên nhân khiến giá cả những tháng cuối năm tăng, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, có nguyên nhân do thị trường. Nước ta là nước có nền kinh tế mở nên nhiều mặt hàng ở thị trường bên ngoài giá tăng cao, ảnh hưởng giá trong nước. Thêm vào đó, kinh tế trên đà phục hồi, sức mua trong nước lớn nên cũng có tác động đến giá cả; năm nay nước ta lại có nhiều lễ lớn nên sinh hoạt, đi lại của người dân nhiều cũng dẫn tới chi phí vận tải, sinh hoạt có tăng…. Về chính sách vĩ mô, cuối 2009, đầu 2010 có điều chỉnh một số giá hàng hóa, điều chỉnh lương, chấm dứt gói kích cầu, tỷ giá VND-USD điều chỉnh nên cũng làm giá biến động.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện có 11 nhóm hàng hóa thiết yếu được đảm bảo cung cầu trong bất cứ tình huống nào. Thời gian qua, mọi nỗ lực cả nước đều tập trung cho nhóm hàng hóa này. Đánh giá chung, kể cả trong giai đoạn rất khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, về cơ bản vẫn đảm bảo nhu cầu cung cấp hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, cho sản xuất và đời sống.
“Chúng ta có cơ sở yên tâm rằng các hàng hóa thiết yếu tiếp tục được đảm bảo, cơ bản giữ được cân đối cung cầu”, Bộ trưởng nói.
Để bình ổn giá, cân bằng cung-cầu, vừa qua Chính phủ đã làm được một số việc về xây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là xây dựng hệ thống bán lẻ và nâng cao năng lực của hệ thống này. Các tỉnh, thành lớn đã có quy hoạch hệ thống phân phối này.
“Khi hội nhập, cũng phải tạo điều kiện cho các DN nước ngoài tham gia vào hệ thống phân phối, bán lẻ, VN đã thực hiện rất thận trọng, nhưng vẫn phải ưu tiên và dành nhiều thuận lợi cho DN trong nước”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ngoài việc đảm bảo cung-cầu hàng hóa, để bình ổn thị trường, còn cần tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa, hạn chế mức thấp nhất nhập khẩu, nhất là với các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tăng cường thanh, kiểm tra về giá.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết, đến thời điểm này, đã có 288 chất vấn được gửi tới Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, trong đó Thủ tướng nhận được 26 chất vấn, các Phó Thủ tướng nhận được 2 chất vấn còn lại là các thành viên Chính phủ khác, trong đó Bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn nhất là Bộ trưởng Bộ Công thương với 38 chất vấn. Hiện các thành viên Chính phủ đang trả lời bằng văn bản. Đến thời điểm này, đã có 15 văn bản trả lời. Quốc hội đã có tổng hợp gửi các đại biểu. Trong phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung chất vấn 1 số vấn đề chung, lớn, mang tầm quản lý vĩ mô, bức xúc nổi cộm được nhân dân, dư luận xã hội quan tâm. Quốc hội tiếp tục chất vấn theo nhóm vấn đề, với sự tham gia của nhiều thành viên Chính phủ. Theo sự phân công, Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn về 3 nhóm vấn đề: điện, an toàn khai thác và chế biến bô-xit Tây Nguyên, quản lý điều hành xuất nhập khẩu. Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về các vấn đề giảm tải các bệnh viện, nhất là tuyến trên, dịch bệnh ô nhiễm, phòng chống HIV và việc phát triển ngành công nghiệp dược. Bộ trưởng Bộ Tài chính là các vấn đề về quản lý ngân sách, kiểm tra thanh tra trong lĩnh vực tài chính ngân sách, trách nhiệm Bộ trong quản lý tài sản Nhà nước tại các DNNN; quản lý giá, nhất là vật tư, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng thiết yếu. Bộ trưởng Bộ GTVT được phân công giải đáp về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ trong quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là Vinashin; việc bố trí và triển khai các công trình giao thông, nâng cấp đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời các đại biểu. Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời. Phiên chất vấn ngày mai sẽ là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT. Thủ tướng là người đăng đàn cuối cùng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.