(HNM) - Tôi gặp Trần Mai Anh nhiều lần, khi thì trực tiếp, khi là qua các trang báo, qua nhiều chương trình truyền hình, kể cả truyền hình trực tiếp của Đài TH Việt Nam, Đài TH Hà Nội nói về chị và con nuôi Thiện Nhân - cháu bé mới chào đời đã bị mẹ đẻ vứt bỏ, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, được chị nhận làm con nuôi.
Nhưng lần này, quả thực tôi không sao kìm nổi xúc động trước cảnh chị vừa qua lần mổ não nội soi hiểm nghèo, nằm truyền thuốc cấp cứu trong Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai. Ba con trai của chị - hai con đẻ Thiên Minh (10 tuổi), Hải Minh (5 tuổi) và con nuôi Thiện Nhân (4 tuổi) vây quanh giường bệnh. “Mẹ Mai cháu khỏi rồi” - bé Thiện Nhân khoe với tôi. Tôi không cầm nổi nước mắt khi chợt nghĩ, nói dại nếu không kịp phát hiện, nếu các giáo sư, bác sĩ không kịp cứu chị thì bé Thiện Nhân đã bị mẹ đẻ vứt bỏ khi vừa chào đời, phải chịu bao đau đớn về thể xác, tinh thần, nay lại sẽ mất đi người mẹ nuôi mà cháu rất đỗi yêu thương và tin cậy để nương tựa trong cuộc đời này…
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và mẹ con chị Trần Mai Anh.
Cuộc sống vẫn vậy, có những điều không sao cắt nghĩa được. Sau một cơn đau đầu đột ngột, chị đi chụp cắt lớp và cũng chẳng hiểu sự xui khiến làm sao chị lại xin chụp động mạch não. Thế là phát hiện bị phồng động mạch cảnh bên phải đoạn trong sọ não. Hầu hết người bệnh tương tự ít ai có thể phát hiện sớm mà đều đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê vì chỗ phồng đã bị vỡ… Trong giờ phút hệ trọng của đời người, lường hết mọi sự, nên trước khi vào phòng mổ chị đã để lại bản di chúc và thư gửi ba con trai. Tôi thuyết phục và chị đã đưa cho tôi xem bức thư để lại (rất may là đã không phải gửi nữa). Xin trích ra đây những dòng chị viết cho con nuôi Thiện Nhân: “…Còn Thiện Nhân là bé nhất, ở cạnh mẹ ít nhất nên thiệt thòi nhất. Mẹ thương con nhất trong mấy anh em. Thiện Nhân nhạy cảm, thông minh, tinh lanh nhưng con nhớ không được hư nhé. Con phải nghe lời các anh, chăm sóc các anh cho mẹ nghe chưa. Con phải học thật giỏi, thật thành đạt, phải là chàng trai mạnh mẽ, đầy lòng nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ mọi người dù bất cứ kết quả chữa bệnh của con được tới đâu…”. Trước khi phẫu thuật cho chị, các giáo sư, bác sĩ động viên chị yên tâm vì như các bác sĩ tin tưởng “mổ cho mẹ nuôi cháu Thiện Nhân thì ca mổ không thể không thành công”.
Cách đây vài năm, Mai Anh cùng chồng và gia đình đã lặn lội vào Núi Thành (Quảng Nam) đón cháu Thiện Nhân về làm con nuôi. Là một nữ nhà báo, lại thành thạo tiếng Anh, chị đã gửi email tới các bệnh viện danh tiếng và các tổ chức nước ngoài, hỏi và tìm kiếm cơ hội chữa trị cho cháu. Từ lúc đón nhận cháu, chị đã không quản ngại khó khăn đưa cháu tới 14 bệnh viện trong và ngoài nước để chữa bệnh, trong đó có 2 bệnh viện ở Thái Lan, 2 bệnh viện ở Singapore, 3 bệnh viện hàng đầu ở Mỹ. Chị nhớ lần đầu cùng Thiện Nhân đặt chân xuống sân bay của nước Mỹ xa xôi vào tháng 8-2008 trước sự chờ đón phỏng vấn, ghi hình của ba hãng truyền hình và nhiều phóng viên Mỹ, họ đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy Thiện Nhân khi đó mới 2 tuổi, chỉ còn 1 chân, được mẹ Mai Anh bế trên tay, đã biết nở nụ cười và giơ tay chào mọi người. Họ càng ngạc nhiên khi thấy mẹ nuôi của Thiện Nhân, người bé nhỏ, ăn mặc hết sức giản dị, không chút trang điểm, đã chủ động, thân thiện trả lời bằng tiếng Anh mọi câu hỏi của các nhà báo. Ca phẫu thuật niệu đạo cho Thiện Nhân do các giáo sư, bác sĩ ở bệnh viện Dartmouth, bang New Hampshire, Hoa Kỳ, tiến hành đã thành công tốt đẹp. Thiện Nhân đã có thể tự tiểu tiện dễ dàng, không còn phải đóng bỉm suốt ngày đêm nữa. Thiện Nhân đã được mẹ Mai Anh đưa tới các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu ở Chicago, ở Texas khám, tư vấn chữa trị lâu dài... Xúc động trước số phận đau đớn, kỳ lạ của cháu bé, cảm động trước người mẹ nuôi bé nhỏ, nghị lực, đầy lòng nhân ái và bao tấm lòng ở Việt Nam dành cho cháu, các giáo sư Mỹ đã đồng ý giám sát quá trình tái tạo bộ phận sinh dục phức tạp của Thiện Nhân…
Việc chăm sóc, nuôi dạy cháu cũng gian nan không kém chữa trị. Đó là công việc hằng ngày, hằng đêm, công việc của cả gia đình, của cả hai anh trai Thiên Minh, Hải Minh. Tâm hồn non nớt của Thiện Nhân thấm rất nhanh những điều mẹ Mai Anh dạy bảo hằng ngày. Bốn tuổi cháu đã biết buồn, biết gọi anh trai vào góc nhà hỏi: “Hải Minh xem giúp chim của em đã mọc ra tẹo nào chưa?”. Cả gia đình đã giúp cháu can đảm, bớt dần mặc cảm về những khiếm khuyết, thiệt thòi trên cơ thể của mình, mạnh dạn hòa nhập vào cuộc sống. Cháu đã đi học mẫu giáo, rất ngoan và sống rất tình cảm. Thật cảm động khi cháu Thiện Nhân vui đùa, ca hát với các bạn, giơ tay xung phong trả lời câu hỏi của cô giáo và chiều thứ sáu hằng tuần cầm phiếu bé ngoan về khoe với bố mẹ, với ông bà…
Có những lúc Thiện Nhân và hai anh trai cùng sốt cao, phải đưa đi cấp cứu. Những khó khăn trong cuộc sống thường nhật nhiều khi tưởng đã vắt kiệt sức lực của Mai Anh. Quá trình chữa trị cho Thiện Nhân rất lâu dài và gian khó, đó là câu chuyện không biết đến hồi kết của những hành trình tiếp nối hành trình. Sự động viên, chia sẻ của cả cộng đồng, sự biểu dương của báo chí, Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội khen tặng, Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà 5 năm (2005-2009)” của Công đoàn ngành giao thông Vận tải và Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã động viên, tiếp sức cho chị. Với cương vị biên tập viên chính, chị đã cùng với tập thể xây dựng Tạp chí Heritage và Heritage Fashion trở thành một trong những tạp chí chuyên ngành hàng đầu giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Chị đảm đang công việc gia đình, nuôi dạy các con khôn lớn, ngoan ngoãn.
Những ngày chị nằm viện, rất nhiều người tới thăm. Chị cũng nhận được rất nhiều thư thăm hỏi, động viên chị mau chóng khỏi bệnh để nuôi dạy các con, nuôi dạy bé Thiện Nhân trưởng thành. Tôi càng thấm thía tình cảm và những mong muốn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong Thư khen gửi chị ngày 4-1-2010: “…Chị đã tô đẹp hình ảnh Người Mẹ Việt Nam từ bao đời nay luôn là biểu tượng của lòng nhân hậu, bao dung, bình dị và vô cùng cao quý, đã và đang ngày ngày chở che, nuôi dưỡng tâm hồn của mọi người dân Đất Việt. Tôi tin những việc làm của chị sẽ không phải là chuyện cổ tích, mà cùng với chị và sự hưởng ứng của toàn xã hội, những việc làm ấy sẽ ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống, làm mát trong và tươi đẹp hồn người…”. Và bây giờ tôi càng hiểu vì sao vừa qua nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chị được chọn là một trong 10 tấm gương của cả nước tham dự cuộc giao lưu và trao giải thưởng cuộc thi viết về “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên VTV1 và Đài Tiếng nói Việt Nam do báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Lao động tổ chức.
Chị là một công dân Hà Nội ngay từ những ngày B52 ném bom hủy diệt Hà Nội tháng 12-1972. Chị lớn lên, học tập, trưởng thành và làm việc suốt 37 năm qua, gắn bó với những thử thách, đổi thay và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Với sự lao động không mệt mỏi của mình, cùng với việc đón nhận, nuôi dạy cháu Thiện Nhân trong nỗi mong ước mãnh liệt là cháu sẽ nên người, chị xứng đáng là một nữ công dân điển hình của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.