(HNMO) – Ngày 2/6, thẩm tra dự thảo NQ sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến dự án, công trình quan trọng trình QH quyết định chủ trương đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị, những dự án quan trọng khi có thay đổi mục tiêu, phát sinh tăng vốn đầu tư trên 10% là Chính phủ phải báo cáo QH, thay vì mức trên 20% như Chính phủ đề nghị.
Đề nghị nâng mức vốn dự án quan trọng lên 35.000 tỷ đồng
Trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị Quốc hội quy định các công trình quan trọng bao gồm 5 nhóm.
Thứ nhất, dự án đầu tư tại Việt Nam có quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6 năm 2010), trong đó vốn Nhà nước chiếm từ 30% trở lên.
Thứ hai, dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân, dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng (bao gồm: vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học) từ 200 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 200 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, trừ các dự án trồng rừng, trồng cao su trên đất rừng sản xuất.
Thứ ba, dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác.
Thứ tư, dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia. Chính phủ quy định tiêu chí xác định địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh.
Thứ năm, dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Chính phủ cũng đề nghị, các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài có một trong hai tiêu chí sau được coi là dự án, công trình quan trọng: Quy mô tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ ba mươi lăm nghìn tỷ đồng Việt Nam (35.000 tỷ đồng) trở lên (theo thời giá tháng 6 năm 2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của dự án, công trình; Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ phải gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra công trình, dự án. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định. Hàng năm hoặc khi Quốc hội có yêu cầu, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng. Khi có thay đổi mục tiêu, phát sinh tăng vốn đầu tư trên hai mươi phần trăm (20%), kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình quan trọng từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định.
Thủy điện Lai Châu - Một trong các dự án quan trọng được QH quyết định đầu tư.
Ảnh: Văn Tân
Không nhất trí dự án phát sinh tăng trên 20% vốn mới trình QH
Thẩm tra sơ bộ về Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66/2006/QH11 như Tờ trình Chính phủ, cụ thể là bổ sung dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài; sửa đổi tiêu chí về vốn; cụ thể hóa tiêu chí về yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với từng loại rừng cụ thể…
Về một số nội dung cụ thể, trước tiên là việc điều chỉnh nâng quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng đối với dự án đầu tư trong nước, đa số đại biểu đồng ý nâng quy mô vốn đầu tư lên 35.000 tỷ đồng, vì việc áp dụng trong thực tế không còn phù hợp do quy định vốn đầu tư được tính theo thời giá năm 2006.
Với tiêu chí quy mô vốn đối với dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài, theo phân tích của Ủy ban Kinh tế, việc đầu tư ra nước ngoài cần sử dụng lượng vốn lớn bằng ngoại tệ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các cân đối kinh tế vĩ mô, vì vậy Quốc hội cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này. Ủy ban đề nghị quy định mức vốn của các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài phải trình Quốc hội thấp hơn mức vốn của các dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam.
Ủy ban Kinh tế tán thành việc quy định rõ hơn tỷ trọng vốn nhà nước là “từ 30% vốn nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình”. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đối với dự án, công trình mà công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) tham gia đầu tư, việc xác định tỷ lệ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng vốn đầu tư dự án, công trình sẽ rất khó, bởi nguồn vốn đầu tư chưa hoàn toàn là vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc vốn nhà nước. Một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí các dự án, công trình có sử dụng vốn nhà nước chưa đến 30% trên tổng vốn đầu tư nhưng có giá trị tuyệt đối lớn cũng phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ đối với các nguồn vốn đầu tư có khả năng ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về tiêu chí dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến môi trường, một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí các dự án, công trình sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô lớn vì trong thực tế đã và sẽ có những dự án, công trình sử dụng nhiều diện tích đất trồng lúa, có nhiều tác động đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng dự án và mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Về việc kéo dài thời gian thực hiện dự án phải báo cáo Quốc hội, Ủy ban tán thành trường hợp dự án, công trình kéo dài thời gian từ một năm trở lên phải báo cáo Quốc hội vì thực tế hiện nay, một số dự án, công trình đầu tư quan trọng quốc gia đã và đang kéo dài tiến độ thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội giám sát tiến độ thực hiện dự án đầu tư và nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc triển khai thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Riêng đối với việc phát sinh tăng vốn đầu tư, Ủy ban cho rằng, việc tăng tỷ lệ trên 20% mới trình Quốc hội là không phù hợp vì mức tăng vốn đến 20% mà không phải trình Quốc hội là quá lớn đối với các dự án lớn. Ý kiến chung đề nghị giữ như quy định hiện hành về phát sinh tăng vốn đầu tư là trên 10% phải trình Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.