(HNM) - Trong những năm qua, người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo toàn diện của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành chức năng và toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, hoạt động tri ân, hỗ trợ giảm nghèo, cả nước phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Chăm lo toàn diện
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó có gần 1,2 triệu thân nhân liệt sĩ, hơn 138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh… Với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Ngoài các chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã hỗ trợ hơn 155.000 gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng hơn 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá hơn 980 tỷ đồng…
Nhờ các chính sách ưu đãi đến với mọi đối tượng người có công, hiện có 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội, không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Đại đa số người có công trên mọi miền đất nước có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình chính sách, cá nhân người có công đã vươn lên làm giàu, tích cực tham gia công tác xã hội.
Thương binh Hoàng Văn Oánh, thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Giáp Ngọ, tôi đã tuyên truyền, vận động gần 40 hộ gia đình trong thôn tham gia vào Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội nâng cao thu nhập. Tôi cũng vận động các gia đình đóng góp được hơn 700 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp các công trình công cộng ở khu dân cư”.
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động tri ân, nâng cao mức sống cho người có công, hiện trên địa bàn cả nước vẫn còn gần 17.000 gia đình có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo, chiếm 1,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Đáng lưu ý, chỉ riêng 2 tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình còn tới hơn 2.000 hộ nghèo có thành viên là người có công.
“Đảng, Nhà nước luôn nhất quán mục tiêu không để người có công phải sống dưới mức sàn an sinh xã hội. Sau hơn 30 năm đổi mới, phát triển, 53 tỉnh, thành phố vẫn còn người có công đang sống trong cảnh nghèo là điều băn khoăn, trăn trở của toàn xã hội. Thực tế đó đòi hỏi các ngành, địa phương phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sớm đưa các gia đình chính sách thoát khỏi diện hộ nghèo”, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Triển khai nhiều giải pháp ưu tiên, hỗ trợ
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, những gia đình có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công chưa thoát nghèo do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là các hộ có thành viên bị ốm đau, bệnh tật, làm suy giảm khả năng lao động... Hơn nữa, một số địa phương chưa có cơ chế đặc thù, giải pháp căn cơ để hỗ trợ giảm nghèo. Ông Ngô Trường Thi đề nghị các ngành, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ, để có chính sách tri ân, hỗ trợ giảm nghèo phù hợp.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số chế độ trợ cấp ưu đãi người có công; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hộ gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo. Các thành viên độ tuổi lao động trong gia đình người có công cần được tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp cận với thông tin đa chiều về thị trường lao động…
Còn bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An kiến nghị Nhà nước điều chỉnh nâng mức trợ cấp một lần cho người có công với cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, trong những năm qua, ngoài giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, thành phố thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có giải pháp tháo gỡ từ cơ sở.
Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo theo định hướng của Trung ương, thành phố Hà Nội đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và huy động nguồn lực tại cộng đồng để trợ giúp kịp thời cho hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công thiếu người có khả năng lao động. Nhờ đó, 100% người có công trên địa bàn Hà Nội có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Thương binh Đặng Tiến Cao, thôn Vật Lại 3, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) bày tỏ: “Nhận được sự hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục…, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định và tốt hơn”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp ưu tiên, hỗ trợ gia đình có thành viên là người có công nâng cao mức sống trên cơ sở tôn trọng tính đặc thù từng vùng, miền, địa phương gia đình. Phấn đấu đến cuối năm 2019, cả nước cơ bản không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo và đến cuối năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.