(HNM) - Kinh tế - xã hội tháng 4-2022 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đà khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; trong đó, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Số liệu thống kê cho thấy, năng lực sản xuất của nền kinh tế phục hồi mạnh. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, với nguồn thu bền vững từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xuất khẩu 4 tháng qua tăng 16,4%, với giá trị xuất siêu 2,5 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 11,3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4-2022 tăng cao nhất từ trước đến nay, với hơn 15.000 đơn vị; tính chung 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng hơn 60%, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép.
Thực tế, những tín hiệu khởi sắc của kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và từ đó đưa ra dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Kết quả này khẳng định các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội đã “đúng, trúng” và phát huy hiệu quả. “Ngoại giao vắc xin” và “đi sau về trước” trong việc nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin đã giúp kiểm soát dịch Covid-19, sớm mở cửa hoạt động kinh tế. Đi cùng với đó là các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi bị dịch Covid-19 “bào mòn” sức chống chịu…
“Kết quả đạt được tạo niềm tin và là cơ sở thực hiện các mục tiêu của cả năm 2022. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, lơ là, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2022.
Không chủ quan, lơ là bởi kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn. Tác động từ những bất ổn bên ngoài với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, trong khi sự phục hồi kinh tế trong nước chưa đồng đều. Giải ngân vốn đầu tư công được coi là động lực cho tăng trưởng, còn chậm và chưa đạt yêu cầu…
“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” có nghĩa là phải tiếp tục nhất quán yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh.
Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật. Cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống của người dân bằng việc tháo gỡ các rào cản hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm lưu thông hàng hóa, cân đối cung - cầu thị trường, đặc biệt là khẩn trương triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế…
Chủ động, linh hoạt ứng phó, chúng ta có thể tự tin đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.