Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên quá lạc quan

Đan Nhiễm| 28/03/2014 05:53

(HNM) - Hội thảo khoa học quốc tế "Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa" tổ chức tại Hà Nội ngày 26-3 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo: Lào, Myanmar, Campuchia... đang nổi lên là những đối thủ cạnh tranh mới của Việt Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thậm chí, các nhà đầu tư còn xếp hạng cơ sở hạ tầng Việt Nam ngang với Lào, Campuchia và xếp trên hai quốc gia láng giềng ở lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật.


Sở dĩ phải khẳng định "một lần nữa" là bởi câu chuyện này ít nhất đã được nhắc đến từ vài năm trước, khi nền kinh tế nước ta bắt đầu có biểu hiện rơi vào tình trạng giảm phát. Không ngần ngại, các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam hiện có nhiều điểm yếu dẫn đến thu hút FDI chưa như mong muốn do: Chi phí không chính thức cao, thủ tục hành chính rườm rà, chất lượng dịch vụ công và cơ sở hạ tầng chưa thực sự hỗ trợ kinh doanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự yếu kém của hệ thống quản lý nhà nước hiện hành. Cụ thể là việc phân công chức năng quản lý các DN FDI tại các địa phương được trao cụ thể cho các sở, ngành theo ngành dọc. Chẳng hạn, như các vấn đề về thuế, tài chính thì giao Sở Tài chính, Cục Thuế; các vấn đề môi trường giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý... Nhưng do thiếu phối hợp trong điều hành dẫn đến không có một cơ quan nắm tình hình chung, cũng như tình hình hoạt động cụ thể của từng DN trên địa bàn. Hệ quả là nhiều DN FDI vi phạm pháp luật mà chỉ đến khi các cơ quan khác phát hiện thì các sở, ngành chức năng mới biết và vào cuộc. Nhưng đáng lo ngại nhất là việc quản lý của cơ quan chức năng khiến người dân và DN liên tưởng việc phải tuân thủ pháp luật là bị đòi hối lộ, "bôi trơn" hơn là vì lợi ích chung của xã hội.

Không thể phủ nhận chính sách thu hút vốn FDI những năm gần đây đã có nhiều điểm đột phá. Nhưng dường như những nỗ lực đó mới thể hiện trên văn bản, chứ trên thực tế sự cảm nhận, hài lòng của DN chưa nhiều. Mong muốn của chúng ta là có nhiều quy định để giúp DN tuân thủ pháp luật, nhưng thực chất đối tác đầu tư không hài lòng vì để thực thi quy định đó sẽ mất nhiều thời gian, chi phí, nhân lực để thực hiện và quan trọng là càng nhiều quy định càng tạo điều kiện cho tệ quan liêu, tham nhũng trong khi giám sát không tốt. Trong khi đó, những cuộc "kết hôn" giữa DN dân doanh với DN nước ngoài đến nay gần như vẫn "giậm chân tại chỗ". Việc tiếp nhận, mở cửa đón DN nước ngoài chưa làm được các việc như tiếp nhận công nghệ, kỹ năng quản trị mới.

Một câu hỏi đặt ra là, vậy thì lợi thế trong thu hút vốn FDI của Việt Nam hiện nay là gì? Xin thưa, ngoài nền chính trị ổn định thì những yếu tố khác như: Nhân lực, tài nguyên, hạ tầng, chính sách, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... đang dần không còn là lợi thế so với những năm trước đây. Bởi hơn ai hết chúng ta đều hiểu rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn trong khi công tác dạy nghề, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực trình độ cao luôn là nỗi băn khoăn của các nhà đầu tư khi có lựa chọn Việt Nam hay không. Đặc biệt, nguồn nhân lực giá rẻ hiển nhiên giờ không còn là ưu thế của nước ta so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Gần đây, nhiều luồng thông tin cho biết, có thể trong năm 2014, Việt Nam sẽ đón một số dự án FDI "siêu khủng" với số vốn lên tới hàng chục tỷ USD. Nhưng sự lạc quan đó e rằng quá sớm, bởi chúng ta đã từng có không ít bài học buồn vì nhiều dự án thực ra chỉ là "bánh vẽ" vì sau khi được cấp phép vài năm vẫn chưa triển khai hoặc có nhà đầu tư xây xong nhà máy thì… rao bán, đơn cử như: Khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (vốn đăng ký 9,8 tỷ USD); các dự án sản xuất thép Tata (tại Vũng Áng, 5 tỷ USD); Guang Lian (tại Dung Quất, 4,5 tỷ USD)...

Rõ ràng, hơn ai hết, bây giờ là thời điểm chúng ta cần nhìn lại mình xem những việc đã và chưa làm được là gì chứ không nên lạc quan tếu theo kiểu... "đếm cua trong lỗ"!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên quá lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.