(HNM) - Trong văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng góp ý cho đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) cho rằng, việc chọn đất dự trữ xây dựng các công trình của các bộ, ngành tại Ba Vì là không có cơ sở cả về khí hậu, đất đai, tính chất, cảnh quan và tính xã hội nhân văn.
Theo Hội KTSVN, nếu cần đất dự trữ thì chọn nơi khác, không nên bảo vệ ý tưởng ở Ba Vì. Chính vì vậy trục Hồ Tây - Ba Vì không còn cơ sở để tồn tại trong đồ án. Cảnh quan đặc trưng của Hà Nội lại càng không nên có trục thẳng, dài và lớn như đồ án đề ra. Ngoài ra, theo Hội KTSVN, phía bắc và đông bắc sông Hồng có quỹ đất cao, thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi, tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tư vấn quá tập trung về hướng tây từ sông Nhuệ đến sông Đáy và giữa sông Đáy và sông Tích để phát triển đô thị, nơi đất trũng, bị ngập lũ, phần lớn là đất nông nghiệp màu mỡ và đông dân cư để phát triển đô thị với quy mô 1,6 - 1,7 triệu người.
Với quy mô dân số đô thị khoảng hơn 9 triệu người vào năm 2030 và trên 10 triệu người vào năm 2050, Hội KTSVN cho rằng sự tăng trưởng này đã vượt ngưỡng cân bằng sinh thái, biến Thủ đô thành siêu thành phố với "bệnh đầu to" do chất tải quá lớn vào đô thị trung tâm với quy mô 4,6 triệu dân vào năm 2030 và gần 5,5 triệu dân vào năm 2050. Đặc biệt, dân số nông thôn ngày một gia tăng, từ 2,642 triệu người năm 2020 lên 2,917 triệu người năm 2030 và 3,223 triệu người năm 2050 đã trở thành hiện tượng không phù hợp với quy luật đô thị hóa. Khu vực nông thôn, tỷ trọng GDP nông nghiệp chỉ đạt 3% vào năm 2020, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đô thị hóa trên 60% với gần 3 triệu dân sống trong khu vực nông thôn, cùng với diện tích đất canh tác dần bị thu hẹp, đưa đến dự báo nguy cơ tỷ lệ đói nghèo gia tăng ở khu vực này.
Trong khi đó, các đô thị được gọi là vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên đều có quy mô trên 10 vạn dân đến 56 vạn dân vào năm 2030 và trên 70 vạn dân vào năm 2050. Như vậy, các đô thị này sẽ trở thành các thành phố loại III, loại II và loại I, do đó không thể gọi là đô thị vệ tinh. Quy hoạch này cũng trái với Hiến pháp và các quy định pháp luật về phân cấp quản lý đô thị của Việt Nam. Hệ quả của tăng trưởng dân số dẫn đến sự tăng trưởng vượt bậc về không gian từ 180,5km2 đất xây dựng năm 2008, lên 728,4km2 đất xây dựng năm 2020 và 1.270,06km2 đất xây dựng năm 2030, đưa tỷ lệ đất xây dựng đô thị hiện nay từ 5,5% lên 21,7% (năm 2020) và 27,5% (năm 2030). Từ đó phương án chọn đất xây dựng đô thị hầu hết rơi vào các vùng đất trũng, đất nông nghiệp màu mỡ, đất bị ô nhiễm hoặc các khu dân cư đông đúc, tất yếu sẽ dẫn đến các vấn nạn và nguy cơ đối với sự phát triển bền vững Thủ đô, trái với tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu đã đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.