(HNM) - Từ cả tuần nay, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá nhiều loại thực phẩm đã tăng khá cao, khiến người nội trợ, bên cạnh việc lo toan cho cái Tết sắp đến, lại thêm mối lo trước mắt.
Phổ biến tại các chợ là thịt lợn thăn, mông, ba chỉ tăng từ 110.000 lên 130.000 đồng/kg, có chợ tới 140.000 đồng/kg. Thịt nạc thăn có giá 150.000 đồng/kg. Thịt bò thăn, bắp tăng từ 190.000 lên 210.000 đồng/kg. Các loại cá nước ngọt, giá cũng tăng đồng loạt. Cá trắm loại 1kg tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg, cá quả loại to tăng từ 100.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg, cá chép loại bé lên 80.000 đồng/kg, loại to 100.000 đồng/kg… Rau xanh là mặt hàng tăng giá đầu tiên trong đợt rét lạnh kéo dài này và "đứng" khá lâu với mức tăng từ vài trăm tới vài nghìn đồng một mớ (bó) hoặc kilôgam. Bắp cải từ 7.000 đồng/kg "nhảy" lên 8.000 đồng/kg, cải ngọt từ 12.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, cải cúc tăng thêm 500 đồng, lên 3.000-4.000 đồng/mớ. Các loại củ, quả cũng nhích giá nhẹ. Su hào từ 4.000 đồng tăng lên 5.000-6.000 đồng/củ, khoai tây tăng lên 15.000-18.000 đồng/kg, cà chua từ 12.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg. Có mức tăng mạnh nhất là rau muống, từ 5.000 đồng vọt lên 8.000 đồng/mớ, thậm chí có nhiều chợ bán tới 12.000 đồng/mớ...
Theo một số người kinh doanh, do trời mưa rét nên việc chăm sóc, giết mổ gia súc, gia cầm, trồng và thu hoạch rau gặp nhiều khó khăn, các lứa rau mới trồng kém phát triển... nên người chăn nuôi, trồng rau buộc phải tăng giá bán ra. Cũng có những nơi giá thịt, rau và các loại thực phẩm tươi sống lấy tại gốc không tăng nhưng người buôn khi giao hàng tại chợ đều đẩy giá lên với lý do công vận chuyển tăng cao lúc trời mưa rét, khiến người bán phải nâng giá bán để có lãi.
Trong khi đó, có vẻ như các cơ quan có trách nhiệm lại không để ý đến thực tế trên mà chỉ chú trọng lo việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ trong dịp Tết là hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến. Những loại hàng này khá dồi dào, phong phú, dễ mua, giá cả tương đối ổn định, lại có thể để lâu, không ôi thiu được, còn những mặt hàng thực phẩm tươi sống dùng hằng ngày không thể thiếu được thì lại "thả nổi". Thái độ trên dẫn tới việc "té nước theo mưa", vin vào lý do thời tiết để tăng giá tùy tiện, gây khó khăn cho người dân.
Các nhà quản lý, các cấp chính quyền và cơ quan có trách nhiệm cần lưu tâm tới thực tế trên để có sự can thiệp kịp thời, không để thị trường diễn biến bất ổn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.