Góc nhìn

Không luật hóa chung cư mini

Quỳnh Anh 24/09/2023 - 06:42

Vụ cháy chung cư mini ở số nhà 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12 rạng sáng 13-9 vừa qua khiến 56 người tử vong là một bài học đau xót, phơi bày nhiều "lỗ hổng" trong công tác quản lý xây dựng loại hình nhà ở này.

Chung cư mini được nhận diện là nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ của hộ gia đình, cá nhân. Chúng xuất hiện phổ biến ở các đô thị lớn, được hộ gia đình hoặc cá nhân xây dựng, có một số tòa nhà chỉ được cấp phép xây dựng 5-6 tầng, nhưng "phù phép" lên 9-10 tầng, bên trong được phân chia thành hàng chục căn hộ riêng biệt có diện tích 30-50m2, gồm phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh.
Vào khoảng những năm 2015-2017, loại hình nhà ở này "nở rộ" tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, do đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở của lao động nhập cư, người có thu nhập thấp, với giá cả hợp lý, vị trí tương đối gần trung tâm nên tiện đi làm, đi học, sinh hoạt. Ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy...

Mặc dù, không được thừa nhận tại Luật Nhà ở 2005 nhưng do thị trường có nhiều biến động nên Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã có một số điểm “mở” hơn khi đưa thêm loại hình nhà ở do người dân xây dựng, trong đó quy định: “Đối với nhà ở riêng lẻ được xây dựng có từ hai tầng trở lên và tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh riêng), có diện tích sàn tối thiểu mỗi căn hộ từ 30m2 trở lên và nhà ở này đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư quy định tại Khoản 2, Điều 46 của Luật Nhà ở thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”. Đây là kẽ hở để các hộ gia đình, cá nhân lách luật ồ ạt xây dựng chung cư mini.

Ngoài ra, do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng ở một số địa phương liên quan đến mật độ, chiều cao xây dựng công trình nên nhiều chủ đầu tư đưa ra lý do ban đầu là xây dựng nhà ở, sau đó tự chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ.

Hiện tại, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang đề xuất “luật hóa” loại hình chung cư mini dưới tên gọi “nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”. Đánh giá một cách khách quan, loại hình này đáp ứng nhu cầu thị trường, song lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, hiểm họa bởi đa số được đầu tư xây dựng trên những diện tích đất nhỏ hẹp, nằm sâu trong khu dân cư đông đúc, chật chội, thiếu tiêu chuẩn an toàn về phòng, chống cháy, nổ. Bên cạnh đó, loại hình này được xây dựng tràn lan sẽ phá vỡ quy hoạch, gây mất mỹ quan đô thị. Việc giải quyết hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cho các hộ gia đình mua chung cư mini cũng là bài toán không đơn giản đối với chính quyền. Vì vậy, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu: “Rà soát lại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”.

Chung cư mini chưa được luật hóa (Luật Nhà ở hiện chỉ có nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội) nhưng đã mọc lên nhan nhản như "nấm sau mưa", vượt tầm kiểm soát. Nếu được luật hóa trong Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chắc chắn loại hình này sẽ tiếp tục "nở rộ" bất chấp rủi ro. Và như vậy, như đã nói, sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy, từ khó khăn trong quản lý đến gây quá tải hạ tầng đô thị.

Rõ ràng, không luật hóa chung cư mini như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là phù hợp với thực tiễn. Giờ đây, việc cần làm ngay là có biện pháp kiểm soát chặt chẽ những chung cư mini đang tồn tại, trong đó phải thực hiện tốt việc tổng rà soát để phát hiện, xử lý nghiêm, tận gốc những sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy.
Không luật hóa mà thay vào đó sớm bịt “lỗ hổng” trong quản lý xây dựng loại hình này; đồng thời đẩy mạnh xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội chắc chắn sẽ giúp tài sản, tính mạng của người dân được bảo đảm an toàn hơn; diện mạo các đô thị trở nên văn minh, hiện đại hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không luật hóa chung cư mini

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.