Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lẽ, không có chủ?

Thái Sơn| 09/09/2014 06:02

(HNM) - Niềm vui trong ngày hội trăng rằm năm nay thật khó trọn vẹn. Trong hai ngày vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc cháu La Văn Tỷ, 9 tuổi bị nước cuốn trôi xuống cống mất tích, trên đoạn đường 22/12, phường Thuận Giao, (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Vậy là đã hơn 48 giờ (kể từ chiều 6-9), các lực lượng cứu hộ, cứu nạn địa phương nỗ lực tìm kiếm, song vẫn chưa có kết quả. Cần phải nói rõ, đây là vụ việc thương tâm thứ hai xảy ra tại tỉnh Bình Dương với cùng một cách thức. Cũng trong chiều ngày 6-9, cháu Lê Văn Mạnh, 7 tuổi, học lớp 2 Trường Tiểu học Tân Hiệp (thị xã Tân Uyên) đã tử vong do bị nước cuốn trôi vào ống cống.

Tại sao tỉnh Bình Dương lại có nhiều chiếc cống tử thần đến vậy? Và liệu những vụ việc đau lòng tương tự sẽ không còn xảy ra? Những câu hỏi đó thật khó trả lời khi theo dõi những diễn biến được nêu trên công luận.

Trở lại vụ việc cháu La Văn Tỷ gặp nạn, hệ thống thoát nước trên đường 22/12 thuộc dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí nên chưa thể bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, như phát biểu của ông phó giám đốc sở này tại một tờ báo thì do phân cấp đầu tư, việc quản lý hệ thống thoát nước trên đường 22/12 thuộc trách nhiệm của UBND thị xã Thuận An.

Trên một tờ báo khác, đại diện Sở GT-VT tỉnh Bình Dương lại cho biết, công trình thoát nước trên các tuyến đường đều được bàn giao cho các xí nghiệp công trình công cộng tại địa phương quản lý. Do đó, việc kiểm tra bảo dưỡng, kiểm tra hư hỏng thuộc trách nhiệm của các đơn vị này. Nêu vậy để thấy, chắc hẳn trong những ngày tới, việc xác định và quy kết trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị cụ thể nào trong việc quản lý công trình dẫn đến vụ việc thương tâm đối với cháu Tỷ là không đơn giản. Và chắc rằng có truy tìm trách nhiệm của "chủ nhân" chiếc cống khiến cháu Lê Văn Mạnh bị cuốn trôi cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Thành tích thì dễ dàng tìm được "chủ nhân", song khi xảy ra chuyện, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tập thể bao giờ cũng khó như thế.

Trước đây, tại một đường phố ở Thủ đô, dù dự án mới hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng một cô bé điều khiển xe máy đi ngang qua đã bị ngã và tử vong. Nguyên nhân là do con đường... không phẳng, có cả những bộ phận kỹ thuật liên quan trên đường chồi lên đến mấy chục centimet khiến người điều khiển giao thông mất lái. Nghe đâu ông bố nạn nhân cũng đệ đơn đi kiện nhưng không có kết quả. Rồi lại có người xấu số tử vong giữa đường do bị những búi dây từ trên trời rơi xuống, vô hình tạo thành chiếc thòng lọng hại người qua lại...

Những vụ việc đau lòng như thế đều khó truy cứu trách nhiệm. Vậy không lẽ hiện nay đang tồn tại hàng loạt công trình, dự án... vô chủ? Xin thưa, chắc chắn không phải như vậy. Song dường như sau khi những tai nạn thương tâm xảy ra, các cơ quan chức năng chưa chú trọng tới câu trả lời cuối cùng. Đó là những công trình, dự án, những "sản phẩm" gây nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân đang do ai quản lý, sử dụng, trách nhiệm cụ thể thuộc về cá nhân, tập thể nào?

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm đối với cộng đồng. Nếu những vụ việc nêu trên cuối cùng đều "hòa cả làng" thì chắc chắn thời gian tới, cháu La Văn Tỷ, cháu Lê Văn Mạnh chưa phải là những trường hợp cuối cùng trong danh sách những người xấu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lẽ, không có chủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.