(HNM) - Đã nhiều năm, những lời phàn nàn về sách giáo khoa (SGK) không lúc nào ngớt nhưng dường như tình hình vẫn không chuyển biến. Mặc cho những giải trình, hứa hẹn, cả những đề án, kế hoạch của Bộ Giáo dục - Đào tạo được công bố ở khắp nơi, chất lượng SGK vẫn kém, các loại sách tham khảo vẫn tràn lan, thị trường SGK vẫn lộn xộn và người dân vẫn bắt buộc phải bỏ sách cũ, mua sách mới cho con em dù chẳng tin nó tốt hơn, gây lãng phí lớn.
Theo ước tính, nước ta bình quân có khoảng 20 triệu học sinh phổ thông. Nếu mỗi năm một lần thay SGK, tốn kém sẽ là bao nhiêu, lãng phí giấy, mực, công in sẽ là bao nhiêu, nhất là không biết vì lý do gì, cứ năm học mới học sinh đều phải mua SGK mới, bộ sách có giá thấp nhất cũng 80.000 đồng, cao 150.000 đồng. Theo một thông tin, chỉ riêng đợt thay SGK mới đây, Nhà nước đã phải chi 1 tỷ USD và một đầu sách, NXB Giáo dục lãi khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với SGK là các loại sách tham khảo. Có môn học của một bậc học đã có hàng chục đầu sách tham khảo. Nhiều phụ huynh học sinh rơi vào cảnh không mua không đành, mua thì tốn tiền, nhiều khi còn hại thêm cho con em. Nhiều người làm sách, nhà sách, nhà xuất bản đang kiếm bộn tiền bằng các loại sách tham khảo, giá trên trời nhưng chất lượng thì… vực thẳm!
Việc thay đổi SGK xoành xoạch, giá sách cao ngất ngưởng, sách tham khảo như nấm sau mưa để móc túi người tiêu dùng là một chuyện. Chuyện bức xúc nhất là chất lượng SGK sau nhiều lần cải tiến, biên soạn lại vẫn rất kém, nhiều sai sót không chấp nhận được, không chỉ sai chính tả mà còn sai lệch cả định hướng giáo dục, kiến thức. Kể ra thì rất nhiều, chỉ xin nêu thí dụ: Vở "Luyện tập tiếng Việt" dành cho lớp 1 của tác giả Đặng Thị Lanh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (do NXB Đà Nẵng ấn hành) viết " có dỗ" (sai, phải viết "có giỗ") rồi "cây lêu" (viết ngọng, phải viết "cây nêu"). Đấy là những lỗi chính tả sơ đẳng. Còn rất nhiều lỗi khác về kiến thức, về định hướng giáo dục mà hầu như SGK lớp nào cũng có.
Từ đó, một số câu hỏi đặt ra cần được ngành GD-ĐT trả lời là :
- Vì sao có nhiều sai sót như vậy trong SGK hiện nay trong khi SGK nước ngoài, ngay cả SGK trong nước do các nhà khoa học Việt Nam biên soạn các giai đoạn trước không mắc phải, mặc dù số người tham gia biên soạn, thời gian biên soạn, điều kiện làm việc không thể bằng bây giờ?
- Tại sao tuy còn rất nhiều sai sót như vậy nhưng SGK vẫn được in hàng triệu bản mỗi năm. Có phải như ông đứng đầu ngành GD-ĐT từng nói trước Quốc hội là "SGK phải qua sử dụng mới đánh giá phù hợp hay không" hay còn vì những lý do nào khác?
- Chúng ta có bó tay trước tình trạng SGK hiện nay không, hay có thể nhanh chóng đưa nó vào nền nếp, ổn định cả về chất lượng sách, quản lý biên soạn, xuất bản sách, sử dụng sách, thị trường sách. Và cần bao nhiêu thời gian, nếu muốn làm tốt việc quản lý này?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.