Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lấy hóa đơn là tiếp tay cho gian lận

Thủy Tiên| 09/08/2015 06:29

(HNM) - Một thực tế diễn ra lâu nay là người tiêu dùng cá nhân ở Việt Nam khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ hầu như không lấy hóa đơn. Cũng rất ít người biết việc họ không lấy hóa đơn là vi phạm pháp luật, tiếp tay cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh gian lận, trốn thuế gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.



Ngày 14-5-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn trong kinh doanh, trong đó cho phép doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh được in hóa đơn và tự chịu trách nhiệm thay vì buộc phải mua "hóa đơn đỏ" của cơ quan tài chính. Nghị định 51 cũng quy định các mua bán giao dịch có giá trị trên 200.000 đồng thì doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho người mua và trong hóa đơn đó đã có 10% thuế giá trị gia tăng (VAT), nghĩa là bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không được cộng thêm 10% VAT khi viết hóa đơn.

Đây là một bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý thuế để giảm bớt sự phiền hà, tạo thuận lợi và thông thoáng cho môi trường kinh doanh giống như nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Mặt khác, nghị định cũng có những điều khoản bảo đảm không thất thoát thuế cho ngân sách nhà nước; đồng thời, hạn chế tình trạng gian lận thuế khi các đơn vị kinh doanh tự in hóa đơn. Để đưa nghị định vào cuộc sống, ngày 31-3-2014, Bộ Tài chính đã có Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn chi tiết thi hành.

Vì sao kinh doanh cần phải có hóa đơn? Kinh doanh không xuất hóa đơn sẽ sinh ra những công ty mua bán hóa đơn, làm hóa đơn khống để đáp ứng cho những doanh nghiệp, cá nhân kê khai chi phí đầu vào mà thực tế họ không mua. Kinh doanh không xuất hóa đơn là cơ hội để doanh nghiệp trốn thuế. Theo Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC về xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì hành vi "không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán" được liệt kê là một trong các hành vi trốn thuế. Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế.

Còn tại Điều 161 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định "cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế sẽ phải chịu mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù giam". Trong Nghị định 51 cũng quy định "với người mua hàng hay sử dụng dịch vụ không lấy hóa đơn nếu trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện người tiêu dùng không yêu cầu đơn vị bán xuất hóa đơn cũng sẽ được xếp vào hành vi thông đồng trốn thuế nhà nước"...

Như vậy, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này khá đầy đủ, tại sao hằng ngày, hằng giờ khắp nơi trên cả nước vẫn diễn ra tình trạng doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn còn người mua không cần hóa đơn? Với doanh nghiệp, họ hiểu rõ không xuất hóa đơn là vi phạm pháp luật nhưng còn người mua thì sao? Nguyên nhân đầu tiên là do công tác tuyên truyền của cơ quan chủ quản chưa sâu rộng, chưa liên tục dẫn đến trong xã hội tồn tại quan niệm: Không lấy hóa đơn vì có thanh toán với ai đâu và thậm chí không lấy có khi còn được người bán hàng giảm giá. Cùng với đó công tác thanh tra, kiểm tra người mua hàng từ chối lấy hóa đơn bị bỏ trống và thực tế chưa có ai bị xử phạt nên pháp luật đã không được thực thi.

Việc cần làm ngay là phải liên tục mở các chiến dịch tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu khi họ không lấy hóa đơn mua hàng thì hậu quả cho ngân sách nhà nước sẽ thế nào. Và cũng cần xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm, khi phép nước được giữ nghiêm thì thói quen sẽ dần thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lấy hóa đơn là tiếp tay cho gian lận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.