Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lấy danh hiệu thi đua làm căn cứ

Hà Phong| 11/02/2014 06:08

(HNM) - Để bảo đảm mọi cá nhân, tổ chức đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện, đồng thời tăng cường giám sát công tác thi đua khen thưởng, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua,


Theo tờ trình về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, hiện nay, công tác khen thưởng còn tập trung vào nhóm cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước với 10 danh hiệu thi đua, 24 hình thức khen thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước theo 35 cấp độ. Việc khen thưởng trong cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là người trực tiếp lao động sản xuất còn hạn chế và chưa được quy định rõ ràng. Để bảo đảm mọi cá nhân, tổ chức lập được thành tích hay có công trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được ghi nhận biểu dương, ban soạn thảo đề xuất thêm 4 danh hiệu thi đua và 2 hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Trong đó, bổ sung danh hiệu thi đua "Lao động giỏi" và "Tập thể lao động giỏi" để xét tặng cho đối tượng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất.

Ngoài ra, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động sẽ là 5 năm/lần vào dịp đại hội thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay. Việc xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước là 3 năm xét tặng một lần thay cho 2 năm xét một lần nhằm nâng cao giá trị tôn vinh. Thời điểm xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" cũng là 5 năm một lần thay cho 2 năm một lần như hiện nay để bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Về cách khen thưởng, dù nhận được một số ý kiến trái chiều nhưng Bộ Nội vụ kiên định quan điểm không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, căn cứ để xét khen thưởng. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, triển khai theo hướng này sẽ hạn chế được việc trùng lắp cộng dồn thành tích theo trình tự khen từ cấp dưới rồi mới được cấp trên khen và khen thưởng; một số trường hợp được khen thưởng nhưng tính tiêu biểu, nêu gương chưa cao.

Vẫn có sự trùng lắp

Nhận xét về những thay đổi nêu trên, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không ít đề xuất khá táo bạo, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Một số thành viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, việc không lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng thực sự có ý nghĩa tôn vinh, khen theo cống hiến của người lao động. Từ đó khắc phục tình trạng nếu đơn vị nào quan tâm đến phần thưởng, bằng khen thì nhân viên, tập thể được nhiều bằng khen. Đơn vị nào không để ý mà chỉ tập trung vào hoạt động chuyên môn thì khi có thành tích cao lại không được khen thưởng tương xứng.

Dù vậy, thực tế cũng đang cho thấy giữa thi đua và khen thưởng luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Quy định như dự thảo luật chưa thể hiện được mối quan hệ khen thưởng chính là kết quả của phong trào thi đua cũng như tác động của khen thưởng đối với phong trào thi đua. Hơn nữa, khi các tiêu chuẩn khen thưởng còn định tính thì cần thiết phải quy định cụ thể các tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua mang tính kế thừa, xem xét cả quá trình cống hiến để làm cơ sở cho việc khen thưởng được chính xác hơn. Do đó, rất cần trưng cầu ý kiến các cơ quan liên quan về vấn đề này.

Về danh hiệu thi đua “Lao động giỏi” cũng cần nghiên cứu kỹ vì luật hiện hành đã có quy định danh hiệu "Lao động tiên tiến" đối với cả người lao động khu vực nhà nước, ngoài nhà nước. Những hạn chế trong việc công nhận danh hiệu thi đua, nhất là với đối tượng làm việc ở các đơn vị ngoài nhà nước là do khâu tổ chức thực hiện chưa được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể và nhiều cơ quan chưa quan tâm thực sự đến người lao động trực tiếp. Mặt khác, dự thảo luật chưa làm rõ được sự khác biệt về tiêu chuẩn giữa danh hiệu "Lao động tiên tiến" và "Lao động giỏi". Không chỉ riêng khái niệm này, nhìn rộng ra, các quy định về điều kiện, căn cứ trong việc công nhận nhiều danh hiệu khác còn có sự trùng lắp về tiêu chuẩn giữa các danh hiệu thi đua ở các cấp khác nhau trong dự thảo. Đơn cử: "Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả" là một trong các tiêu chuẩn để xét tặng "Tập thể lao động tiên tiến" và "Tập thể lao động xuất sắc"; trong khi đó, một trong các tiêu chuẩn của "Tập thể lao động xuất sắc" là đạt danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến". Việc xét danh hiệu "Nhà khoa học nhân dân", "Nhà khoa học ưu tú" cũng trùng lắp về điều kiện như đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Ngoài ra, các tiêu chuẩn tặng thưởng huân, huy chương còn định tính, như tiêu chuẩn "Có quá trình cống hiến lâu dài" được thể hiện tại 12 điều (từ Điều 36 đến Điều 47) để quy định cho cả 3 hạng của 4 loại huân chương khác nhau, gồm Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, vô hình trung việc nâng cao tiêu chuẩn, các hình thức khen thưởng chủ yếu mới chỉ tăng thêm thời gian, còn các tiêu chí triển khai chưa cụ thể sẽ không thể bảo đảm tính hợp lý, công bằng của việc sửa đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lấy danh hiệu thi đua làm căn cứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.