(HNMO) - Chiều 12-2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố “Báo cáo tóm tắt đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”.
Ảnh hưởng toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội
Ngành công nghiệp điện - điện tử có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam; đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Đầu vào cho sản xuất cũng là khó khăn mà ngành Dệt may, Da giày Việt Nam gặp phải, bởi các ngành này cũng phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc.
Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới sẽ dừng tìm kiếm cơ hội, ảnh hưởng tới kết quả thu hút đầu tư trong thời gian tới. Các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.
Số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh, ước khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch, do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc.
Nếu dịch được khống chế trong quý I thì tăng trưởng GDP là 6,25%; nếu dịch được khống chế trong quý II thì dự báo GDP chỉ tăng 5,96%.
Không lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó cho doanh nghiệp
Trước tình hình trên, Chính phủ quyết tâm không thay đổi mục tiêu, tập trung tìm cách ứng phó với tinh thần bình tĩnh, không chủ quan.
Các bộ, ngành cần đưa ra giải pháp cụ thể để có phương án hỗ trợ, ổn định đời sống người dân, tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch diễn ra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-2020.
Cũng trong tháng 2-2020, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020. Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như: Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế.
Bộ Tài chính nghiên cứu khả năng miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, thúc đẩy và tăng cầu nội địa.
Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-2020 các giải pháp nhằm tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa.
Cuối cùng, các bộ, ngành và địa phương cần đưa ra giải pháp khơi thông nguồn lực, tìm thị trường mới, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu...để áp dụng ngay khi hết dịch nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.