Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không khó khi có giải pháp đồng bộ

Y Linh| 27/05/2010 07:19

(HNM) - Để phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) nhằm sớm xóa bỏ lò gạch thủ công, cần phải có những nhóm giải pháp đồng bộ. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với TS Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Lò sản xuất gạch xây dựng tại xã Thống Nhất (huyện Thường Tín). Ảnh: Bá Hoạt


- Xóa bỏ lò gạch thủ công là yêu cầu cấp thiết, tuy nhiên có thực tế là các nhà máy sản xuất gạch bằng lò tuynel và sản xuất VLXKN mới đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường. Vậy theo ông phải giải quyết vấn đề này thế nào?

- Hiện nay, VLXD cung cấp cho nhu cầu của Hà Nội gồm 3 nguồn chính: từ các cơ sở sản xuất tại chỗ của Hà Nội, các cơ sở sản xuất khác trong nước và nguồn nhập khẩu. Hà Nội không phải là địa phương sản xuất theo phương thức tự cung, tự cấp, mà tiếp nhận sản phẩm VLXD của chính mình, của cả nước và quốc tế để làm cầu nối lưu thông, phân phối cho các địa phương khác trong vùng cũng như xuất khẩu. Vì vậy, Hà Nội chỉ nên sản xuất VLXD thế mạnh và mũi nhọn mang hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Riêng gạch xây, để bảo vệ môi trường, phát triển Thủ đô bền vững, định hướng đang được nghiên cứu đề xuất đến năm 2015 VLXKN sẽ chiếm 20-25% tổng sản lượng gạch xây và đến năm 2020 chiếm 30-40%; phát triển gạch nung bằng lò tuynel theo xu thế giảm dần tỷ trọng so với tổng sản lượng gạch xây. Những cơ sở sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò tuynel tiếp tục cải tiến công nghệ để tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Tiếp tục duy trì việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, phần gạch xây còn thiếu so với nhu cầu sẽ được cung cấp từ các tỉnh lân cận.

- Muốn phát triển VLXKN cần có điều kiện gì, giải pháp nào khả thi, thưa ông?
- Theo tôi, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Thứ nhất, về cơ chế chính sách, cần quản lý chặt chẽ, giảm dần việc sản xuất gạch đất sét nung; tăng thuế khai thác tài nguyên đất sét làm VLXD; có cơ chế bắt buộc hoặc khuyến khích sử dụng VLXKN vào công trình XD thích hợp ngay từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công. Tất nhiên cơ chế này cần áp dụng theo lộ trình được nghiên cứu cẩn thận, vì có liên quan đến nhiều mặt. Thứ hai, sản xuất VLXKN hoặc đầu tư chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN phù hợp với quy hoạch cần được xếp vào lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, tiền thuê đất, thuế và vốn... Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN trong điều kiện Việt Nam để hạ giá thành sản phẩm như sử dụng phế thải công nghiệp để sản xuất VLXKN. Chế tạo phụ gia sản xuất gạch nhẹ hiện tại đang phải nhập khẩu. Tập trung nghiên cứu đưa ra quy trình sản xuất, lựa chọn các thông số công nghệ chế tạo sản phẩm phù hợp với điều kiện của nước ta... Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực về sản xuất và sử dụng VLXKN theo 2 hình thức: Nhà nước bỏ vốn đào tạo hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo; các doanh nghiệp sản xuất cũng phải tự đào tạo tại chỗ, hoặc tổ chức tham quan, học tập nước ngoài.

- Được biết, Sở Xây dựng đã giao cho Viện nghiên cứu các đề tài khoa học phát triển VLXKN. Xin ông cho biết kết quả nghiên cứu và triển vọng ứng dụng thực tế?

- Với đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất bê tông bọt ứng dụng cho việc xây dựng nhà cao tầng và các khu đô thị mới, chúng tôi đã phân tích nguồn nguyên vật liệu sẵn có; sản xuất thử bê tông bọt cách nhiệt, bê tông bọt công trình. Qua các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, chúng tôi đã đề xuất phương án đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất các sản phẩm trên trong các nhà máy chế tạo cấu kiện đúc sẵn hoặc đổ tại chỗ, sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu trong nước và thiết bị có trên thị trường. Điều đó cho thấy việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trong thực tiễn là hoàn toàn khả thi.

Đề tài nghiên cứu các giải pháp vật liệu, kết cấu, thi công tường bê tông nhẹ trong các khu chung cư xây mới và sửa chữa các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội có ý nghĩa định hướng cho việc chọn vật liệu, thiết kế thành phần và thiết lập quy trình công nghệ cho sản xuất bê tông nhẹ. Đề tài đã đề xuất 5 chỉ dẫn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, nghiệm thu các loại kết cấu tường bê tông nhẹ. Trên cơ sở vật liệu tại chỗ, các nghiên cứu trong phạm vi đề tài cho thấy, việc sản xuất và ứng dụng bê tông nhẹ cho kết cấu tường trong điều kiện hiện nay ở Hà Nội là hoàn toàn khả thi và rất cần thiết.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không khó khi có giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.