(HNM) - Sau thời gian dài tạm nghỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều không gian sáng tạo đang tích cực khởi động trở lại cùng những chương trình, sự kiện hấp dẫn, góp phần tạo cơ hội hưởng thụ văn hóa, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng. Các mô hình hoạt động mới mẻ này cần được tiếp sức để phát triển đường dài, vươn tới những thành tựu sáng tạo ngày một cao và có tính hệ thống hơn.
Tạo thêm cơ hội tiếp cận, trải nghiệm văn hóa
Chỉ mới khởi động trở lại trong gần một tháng qua, song các chương trình nghệ thuật tại không gian sáng tạo Hanoi Rock City (số 27/52, phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng yêu nhạc. Có chương trình, như “Chillies Pop-up” hết vé ngay sau 20 phút mở bán. Sinh viên Lê Trung Nghĩa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Sức hấp dẫn của Hanoi Rock City đến từ việc kết nối các ban nhạc mới với nhiều phong cách đa dạng, tạo nên sân chơi nghệ thuật đầy sống động và thăng hoa”.
Cuối tháng 5 vừa qua, chuỗi dự án “Think play grounds - Nghĩ về sân chơi trong phố” cũng có sự trở lại thành công, sau thời gian dài tạm dừng vì dịch Covid-19, với sự kiện “Vương quốc tái chế” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo kiến trúc sư Chu Kim Đức, đồng sáng lập “Think play grounds - Nghĩ về sân chơi trong phố”, từ những vật liệu tái chế thú vị, như: Lốp xe, thùng các tông, rơm rạ, gỗ vụn..., cùng sự hỗ trợ của tình nguyện viên, người tham gia được thỏa mãn trí tưởng tượng để sáng tạo nên thế giới đồ chơi của riêng mình. “Sự kiện đạt được mục đích là tạo cơ hội cho trẻ em tiếp cận với đồ chơi tự nhiên, gắn kết các thành viên trong gia đình thông qua hoạt động vui chơi, tương tác”, kiến trúc sư Chu Kim Đức bày tỏ.
Tương tự, các không gian sáng tạo 60s Thổ Quan, Hanoi Doclab, Đom Đóm, Manzi... cũng sớm khôi phục hoạt động, thông qua nhiều sự kiện, như: Hòa nhạc thể nghiệm “Những chân trời bụi đỏ”; triển lãm nghệ thuật sắp đặt “Ống thở”; đối thoại “Sự im lặng của mùa hè”... Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, những không gian sáng tạo như thế, rất cần thiết cho các nghệ sĩ thể hiện khả năng sáng tạo và tạo thêm cơ hội tiếp cận, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật cho công chúng.
Tuy nhiên, không phải không gian sáng tạo nào cũng có bước hồi phục tích cực sau đại dịch. Theo Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có gần 200 không gian sáng tạo, trong đó có 115 không gian sáng tạo ở Hà Nội. Với đặc trưng hoạt động phi lợi nhuận, tập trung vào việc hỗ trợ cộng đồng thể nghiệm sáng tạo, nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ phụ trợ hoặc các tài trợ, dự án ngắn hạn, nên nhiều không gian sáng tạo vẫn khá chật vật tìm hướng trở lại. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người điều hành không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội cho hay, dù đã mở lại, song hoạt động khá bấp bênh, do nguồn thu chưa đủ chi.
Không gian sáng tạo cần sự tiếp sức
Không gian sáng tạo được xác định đóng vai trò làm giàu bản sắc, gia tăng sức hấp dẫn của đô thị, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa cũng như đem lại các giá trị kinh tế cho Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuê địa điểm, miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn... để các không gian sáng tạo “hồi sức”, vững bước hoạt động. “Không gian sáng tạo là lĩnh vực sôi động nhất trong các lĩnh vực văn hóa, vì là sân chơi gần gũi với người dân, nếu để chết yểu sẽ rất đáng tiếc”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Đề xuất giải pháp phát triển đường dài cho các không gian sáng tạo, theo nhà báo Trương Uyên Ly - người điều hành không gian sáng tạo Hanoi Grapevine, các không gian sáng tạo hoạt động vì mục đích cộng đồng, nên cần có chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ; nhất là về mặt bằng, thông tin để kết nối sáng tạo, tạo điều kiện cho những thành tựu sáng tạo cao hơn, có tính hệ thống hơn.
Trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc vào tháng 12-2019, thành phố Hà Nội có tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị, trong đó tập trung vào các chiến lược cốt lõi: Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo; củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội...
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, những phần việc này nhằm mục đích mở đường, tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo hoạt động hiệu quả, góp phần định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.