(HNM) - Đó là khuyến cáo của các chuyên gia y tế sau khi bệnh nhân Hồ Xuân K, 23 tuổi (ở Yên Bình, Yên Bái) tử vong ngày 18-4 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân K. được chuyển từ BV Hùng Vương (Phú Thọ) đến BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở, sốt cao, suy hô hấp nặng. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Viện Dịch tễ TƯ khẳng định bệnh nhân K. dương tính với cúm A/H1N1. Trước đó, đầu tháng 4, cũng đã có 1 ca tử vong được xác nhận nhiễm cúm A/H1N1 tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Hiện BV Bạch Mai đang điều trị 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 rất nặng và 1 trường hợp viêm phổi nặng có nghi ngờ nhiễm virút cúm A/H1N1. Tất cả bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 này đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, đã có những biến chứng nặng như viêm hô hấp, viêm phổi cấp, viêm cơ tim... và ít có khả năng đáp ứng với thuốc đặc trị.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, "thời điểm vàng" để thuốc đặc trị có hiệu lực đối với virút cúm là trong vòng 3 ngày kể từ khi phơi nhiễm với virút. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện virút cúm vào giai đoạn ủ bệnh (diễn biến 5-7 ngày sau khi người bệnh phơi nhiễm với virút). Nguyên nhân do người bệnh chưa có biểu hiện đã nhiễm cúm như ho, sốt, mệt mỏi, đau đầu... Thêm nữa, hiện việc xác định chính xác chủng virút cúm khá phức tạp, phải thông qua kỹ thuật cao, tốn kém trong khi phương pháp test nhanh thông thường lại không chính xác.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, thời điểm thuận lợi cho virút cúm phát tác trong cộng đồng nên người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng tránh bệnh bằng cách tăng cường sức khỏe, sức đề kháng như ăn uống đủ chất, luyện tập thể thao. Những người nhiễm cúm cũng phải có ý thức bảo vệ cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, khi ho hoặc hắt hơi phải che miệng bằng tay hoặc khăn giấy rồi rửa tay sạch hoặc vứt khăn giấy vào thùng rác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.