(HNM) - Người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện (XĐĐ, XMĐ) đi với tốc độ nhanh, không đội mũ bảo hiểm (MBH), lạng lách, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, dàn hàng 3, hàng 4… là thực trạng đã và đang diễn ra phổ biến trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến phố ở Hà Nội, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Vi phạm tràn lan
Lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, các tuyến phố… dễ dàng bắt gặp cảnh người điều khiển XĐĐ, XMĐ không đội MBH, nhiều người thậm chí phóng nhanh, vượt ẩu gây mất ATGT... Đặc biệt, XĐĐ, XMĐ chạy rất êm, không phát ra tiếng động, còi và đèn tín hiệu khi sử dụng phát ra tiếng kêu rất nhỏ, không sáng như xe máy, không bảo đảm an toàn nếu đi với tốc độ cao, do vậy khi lưu thông vào buổi tối loại phương tiện này gây nhiều nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Quan sát tại cổng một số trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông, Thạch Thất, Đan Phượng, Quốc Oai…, phóng viên nhận thấy, số học sinh đi học bằng XĐĐ, XMĐ khá nhiều. Điều dễ nhận thấy là các em không đội MBH, đeo tai nghe, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Theo nhận xét của công an một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, nếu trước đây chủ yếu là sinh viên, học sinh THPT, người cao tuổi sử dụng phương tiện giao thông này thì hai năm trở lại đây số học sinh THCS điều khiển XĐĐ, XMĐ tăng mạnh.
Nhiều học sinh đi XĐĐ, XMĐ, không đội mũ bảo hiểm (ảnh chụp tại xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai). |
Được biết, từ ngày 10-4-2015, cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý hành vi không đội MBH khi đi XĐĐ, XMĐ. Trên thực tế, việc kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm chủ yếu dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Trong khi đó, theo quy định, người từ 16 đến 18 tuổi được phép điều khiển xe gắn máy, XĐĐ, XMĐ khi vi phạm sẽ bị xử phạt không quá 1/2 so với mức phạt áp dụng cho người thành niên. Học sinh đủ từ 14 đến 16 tuổi ngồi trên xe máy, XĐĐ, XMĐ không đội MBH hoặc đội MBH cài quai không đúng cách sẽ bị phạt bằng hình thức cảnh cáo (không phạt tiền).
Tuyên truyền, nhắc nhở là chính
Nói về việc kiểm tra, xử lý người điều khiển XĐĐ, XMĐ vi phạm các quy định về ATGT, Thiếu tá Bùi Văn Úy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự và phản ứng nhanh, Công an quận Hà Đông cho biết: Nhằm bảo đảm ATGT, hạn chế thấp nhất rủi ro do XĐĐ, XMĐ gây ra, từ năm 2013 đến nay, Công an quận Hà Đông đã phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy định về ATGT, chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm các quy định về ATGT đối với học sinh đi XĐĐ, XMĐ; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm ngay tại cổng trường. Tuy nhiên, việc xử lý chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu học sinh viết cam kết với nhà trường và công an quận chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, lập danh sách học sinh vi phạm và gửi đến các nhà trường đề nghị nhắc nhở, còn việc xử phạt hành chính ít áp dụng.
Theo Đại úy Ngụy Duy Phương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự và phản ứng nhanh, Công an quận Thanh Xuân, Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1-6-2014 quy định về việc đăng ký xe thì XMĐ bắt buộc phải đăng ký, cấp biển số mới được phép lưu thông. Vi phạm do người điều khiển XMĐ gây ra sẽ bị xử lý như đối với xe máy, nhưng thực tế cho thấy hầu hết XMĐ đang lưu thông trên các tuyến đường hiện nay chưa đăng ký, chưa được cấp biển số, dẫn đến việc xử lý phương tiện vi phạm hiện nay chưa thể thực hiện nghiêm, vì hễ gặp lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, hoặc chốt giao thông, nhiều học sinh đã dừng xe đột ngột, quay đầu xe bỏ chạy, gây mất ATGT. Cũng vì việc đa số XMĐ chưa được đăng ký, cấp biển số, XĐĐ thì gia tăng nhanh nên việc kiểm tra, xử lý người điều khiển XĐĐ, XMĐ vi phạm các quy định về ATGT gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, vào giờ cao điểm, học sinh đi XĐĐ, XMĐ vi phạm nhiều, nhưng thời điểm này lực lượng CSGT phải tập trung làm nhiệm vụ chống ùn tắc giao thông nên cũng hạn chế việc xử lý vi phạm đối với đối tượng này.
Thời gian qua, công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục, các nhà trường tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về ATGT cho học sinh, sinh viên, nhất là đội MBH khi đi xe máy, XĐĐ, XMĐ; không cho học sinh THCS sử dụng XĐĐ, XMĐ khi tham gia giao thông; tham mưu cho UBND các quận, huyện chỉ đạo các nhà trường phối hợp quản lý số học sinh sử dụng XĐĐ, XMĐ đi học hằng ngày… Bởi theo lực lượng công an, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là gia đình và nhà trường phải tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở con em, học sinh mình thực hiện nghiêm các quy định ATGT khi điều khiển XĐĐ, XMĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.