Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để xóa nghèo trên... giấy

Bạch Thanh| 09/03/2015 06:27

(HNM) - Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thạch Thất đã giảm xuống còn dưới 3%. Đây được coi là một trong những tiền đề quan trọng trong phát huy sức mạnh nội lực phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, trở thành phong trào thi đua trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Việc xóa đói giảm nghèo bền vững lâu nay vẫn là câu chuyện dài tại các huyện ngoại thành, đặc biệt là tại các huyện miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện Thạch Thất lại có chuyện ngược đời: Không muốn thoát nghèo. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết: Để xóa đói giảm nghèo bền vững, huyện đã xây dựng và triển khai đồng loạt giải pháp, trong đó, Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đóng vai trò quyết định. Từ đề án này, huyện đã lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất lúa năng suất chất lượng cao với tổng diện tích gieo trồng 9.605ha.

Trạm y tế xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) khang trang sạch đẹp. Ảnh: Thu Thảo


Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, huyện đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, lựa chọn cây trồng có thế mạnh để phát triển kinh tế, chọn khâu ươm giống làm khâu đột phá. Các phòng chức năng của huyện đã chủ động làm việc với các cơ quan khoa học nông nghiệp, các trung tâm giống lớn của trung ương và một số tỉnh để tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới, những giống mới phù hợp về gieo trồng trên địa bàn… giúp nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, huyện Thạch Thất đã chỉ đạo thành công nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng su hào, cải ngọt trái vụ, khoai tây và đu đủ tại các xã Hương Ngải, Dị Nậu. Tiếp tục mở rộng mô hình hoa ly ở xã Đại Đồng, Yên Bình, Bình Yên; nhân rộng mô hình sản xuất hoa lan ở các xã Bình Yên, Hương Ngải cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình cây ăn quả như thanh long ruột đỏ từ 6ha năm 2010 đến nay đã mở rộng được 30ha tại các xã Yên Trung, Yên Bình, Lại Thượng, Kim Quan, Bình Yên. Mô hình bưởi da xanh 40ha đang được triển khai tại xã Yên Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Cùng với cây ăn quả, nhiều mô hình trồng cây cảnh, cây bóng mát cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm/hộ ở các xã Thạch Hòa, Đồng Trúc, Đại Đồng, Hạ Bằng, Thạch Xá.

Trong phát triển chăn nuôi, ngoài các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch nông thôn mới, sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã quy hoạch thêm 92ha diện tích để thực hiện mô hình chăn nuôi, thả cá, kết hợp trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn lửng, gia cầm siêu thịt, siêu trứng. Đến năm 2014 huyện đã cơ bản nạc hóa đàn lợn, sinh hóa được đàn bò, đang triển khai mô hình bò siêu thịt BBB. Ngoài ra, toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, thủy sản ở các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Phú Kim, Dị Nậu, Tiến Xuân, Hạ Bằng... cho giá trị kinh tế 200 - 220 triệu/ha, nhiều trang trại đạt 230 - 350 triệu/ha/năm.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2014 toàn huyện đã giảm 411 hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,9%. Cũng theo ông Trần Đức Nguyên, năm 2015, Thạch Thất xây dựng kế hoạch giảm tiếp 150 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,9% xuống còn 2,7% vào cuối năm 2015. Căn cứ vào thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, huyện sẽ xây dựng kế hoạch giảm nghèo hằng năm sao cho sát thực tế, tránh trường hợp thoát nghèo "non" hoặc trên "giấy"… Tuy nhiên theo ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Kim Quan, trên địa bàn xã vẫn còn một số hộ tuy đã thoát nghèo nhưng vẫn quyết tâm "bám trụ" với danh hiệu hộ nghèo để trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giảm học phí cho con, giảm tiền điện, giảm các khoản đóng góp… Điều này là một trong những rào cản trong công tác xóa nghèo tại huyện Thạch Thất.

Để xóa nghèo hiệu quả, bền vững và đi vào thực chất, ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh, Xã hội huyện Thạch Thất khẳng định: Đối với các xã, thị trấn có nhiều hộ xin vào diện nghèo, ngoài việc tuyên truyền vận động, chính quyền cơ sở phải họp công khai, dân chủ và cương quyết đối với các trường hợp giấu, gửi tài sản mỗi khi địa phương bình xét hộ nghèo. Có như thế mới không còn tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để xóa nghèo trên... giấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.