(HNM) - Tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, đỗ xe diễn ra tràn lan ở nhiều tuyến phố gây bức xúc dư luận. UBND TP Hà Nội đã liên tục chỉ đạo, tổ chức ra quân lập lại trật tự, trả lại vỉa hè, lòng đường cho người tham gia giao thông, nhưng hiệu quả chưa được như ý.
Đó là thực tế không thể phủ nhận ở nhiều tuyến phố hiện nay. Không chỉ vỉa hè, thậm chí lòng đường cũng bị chiếm dụng để kinh doanh, làm điểm trông giữ xe... Kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội mới đây cho biết, có tới 232/271 điểm trông giữ xe ở 10 quận nội thành có vi phạm (86%). Đáng lo ngại, có tới 219/271 điểm mắc lỗi không có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ phương tiện. Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán còn nghiêm trọng hơn. Đó là lý do người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Hàng hóa bày bán lấn chiếm hết vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường.
Ảnh: Khánh Nguyên
Tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh diễn ra khắp các tuyến phố, từ phố mới mở cho đến khu phố cổ. Phố cổ Hà Nội là địa điểm du lịch yêu thích của nhiều du khách, nhưng muốn đi bộ ngắm phố chỉ còn cách chấp nhận "mạo hiểm" xuống đường với đủ loại phương tiện hỗn hợp. Vào các buổi tối cuối tuần, quanh khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường; nhà nhà lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để tổ chức trông giữ xe cho du khách đến phố đi bộ. Ngay tại một số tuyến phố đang tổ chức tách làn phương tiện, đã được yêu cầu kiểm tra, rà soát, kiên quyết không cho đỗ xe dưới lòng đường, nhưng vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Ví dụ điển hình là trên tuyến Trần Khát Chân - Xã Đàn, một số đơn vị vẫn trông giữ xe dưới lòng đường. Cùng với đó là tình trạng dừng đỗ vô tội vạ khiến không ít người điều khiển xe máy "bị ép" lấn sang làn dành cho ô tô… Trong văn bản số 10053/UBND-GT ngày 18-11, UBND TP Hà Nội nêu rõ, một số sở, ngành, quận, huyện vẫn chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, rà soát, thu hồi giấy phép sử dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh, dịch vụ, làm điểm trông giữ xe, gây cản trở giao thông.
Kiên quyết đòi lại vỉa hè…
Tại hội nghị triển khai công tác ATGT năm 2012, Phó Chủ tịch Thường trực UB ATGTQG, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị thành phố cần có giải pháp kiên quyết để "đòi lại" vỉa hè, lòng đường cho người tham gia giao thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Nhanh cũng nhất trí phải kiên quyết hơn nữa để góp phần bảo đảm trật tự ATGT đô thị. Trên thực tế, UBND TP Hà Nội đã và luôn quan tâm tới vấn đề này. Tháng 7-2008, thành phố đã có đợt ra quân rầm rộ thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường. Các hộ dân trên 56 tuyến phố được yêu cầu ký cam kết không lấn chiếm hè, đường phố để xe, kinh doanh. Kết quả thu được thật đáng khích lệ, phố phường Hà Nội trở nên khang trang, văn minh hơn. Đáng tiếc, chỉ sau một thời gian, khi các cấp, ngành thiếu sự sâu sát, quyết liệt, đâu lại vào đó.
Thẳng thắn nhìn vào thực tế, việc cấm sử dụng vỉa hè kinh doanh, đỗ xe là điều không dễ ở thành phố do thói quen sinh hoạt cũng như "tập quán" kinh doanh nhỏ lẻ đã tồn tại từ lâu nay. Không chỉ có vậy, vỉa hè, lòng đường hiện đang đem lại nguồn thu đáng kể cho không ít hộ gia đình. Việc hạn chế, cấm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường kinh doanh là thực sự cần thiết để bảo đảm ATGT, nhưng không thể thực hiện duy ý chí. Trước khi đưa ra phương án điều chỉnh giờ học, làm việc, thành phố đã phải cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế tối đa xáo trộn trong đời sống nhân dân. Do vậy, cần thiết phải xây dựng một lộ trình cụ thể, kèm với đó là quy hoạch tổ chức kinh doanh hợp lý từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân.
Đáng lý điều này đã phải thực hiện từ lâu, nhưng muộn còn hơn không. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ùn tắc, mất mỹ quan đô thị sẽ ngày càng nghiêm trọng. Trước hết, hãy bắt đầu thực hiện tốt việc quản lý lòng đường, hè phố ở các khu đô thị mới, phố mới, không để "vi rút" lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lây lan. Để làm được điều này, cần có sự quyết liệt của chính quyền cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.