(HNM) - Mặc dù phải đợi kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng, song nếu xâu chuỗi lại, có thể thấy con đường “phát tán” chất thải của Formosa... dễ dàng một cách “kỳ lạ”: Ban đầu là tại các địa bàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh và mới đây nhất, báo chí đưa tin, chúng đã được đưa về tận Phú Thọ.
Có kết luận chính thức, công luận sẽ được biết mức độ nguy hại của chất thải, phế thải... mà "thương hiệu" Formosa gây ra. Song, việc vẫn tranh cãi “nguy hại hay không nguy hại”, “nguy hại đến mức độ nào” cho thấy, hoạt động quản lý chất thải công nghiệp tại Formosa nói riêng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung thật đáng suy nghĩ.
Rất nhiều vấn đề đáng báo động, thậm chí chua xót!
Những vết “lở loét” trên những “con bệnh - doanh nghiệp” thuộc khu vực FDI đang phát tác mỗi ngày một rộng hơn với hàng loạt cái tên bị phát hiện có hành vi chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt nghiêm trọng là gây ô nhiễm môi trường. Sự lỏng lẻo trong quản lý “đầu ra” chất thải của Formosa có nguyên nhân sâu xa từ tư duy ưu đãi thu hút vốn FDI tồn tại lâu nay. Tư duy ưu đãi, ở không ít địa phương - với tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” - thậm chí được “xé rào” (quy định chung của Nhà nước) trở thành biệt đãi. Do đó, một thời gian dài, hàng loạt tiêu chí xem xét, cấp chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp khu vực FDI bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua, bao gồm yêu cầu đánh giá tác động môi trường, giải pháp xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường... Đã xem nhẹ tiêu chí khi thẩm định dự án, tất yếu cơ quan chức năng sẽ xem nhẹ cả khâu hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra định kỳ. Chính tư duy này, cùng với sự buông lỏng quản lý nhà nước về môi trường cùng với lòng tham của con người là “thủ phạm” dẫn đến chuyện Formosa xả thải trái phép, cũng như dễ dàng “tuồn” chất thải, phế thải đi nhiều nơi. Và không chỉ một Formosa tàn sát môi trường...
Thu hút vốn FDI là chủ trương lớn và đây là "cuộc chơi" đôi bên cùng có lợi. Công bằng mà nói, đây là khu vực quan trọng, có đóng góp tích cực cho nền kinh tế hơn 2 thập kỷ qua. Nhưng những Vedan, Formosa... đã và đang không chỉ đánh cắp “bữa trưa” của hàng trăm nghìn hộ dân (sinh kế tức thời) mà còn đánh cắp cả tương lai của chúng ta, của nhiều thế hệ người Việt Nam, bởi không biết bao giờ môi trường bị đầu độc, tổn thương mới hồi phục.
Siết chặt quản lý chất thải tại các doanh nghiệp FDI đồng nghĩa với siết chặt yêu cầu thực hiện quy định Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trước hết, các địa phương phải chấm dứt tư duy ưu ái quá mức doanh nghiệp FDI, từ đó có sự cẩn trọng, trách nhiệm trong thẩm định một dự án đăng ký đầu tư, bao gồm các đánh giá tác động, giải pháp xử lý vấn đề môi trường, đồng thời tổ chức hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra một cách hợp lý. Về mặt kỹ thuật, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp công nghệ thỏa đáng để giám sát công đoạn xử lý “đầu ra” chất thải, bao gồm khí, nước, chất thải rắn. Cùng với việc tiếp tục điều chỉnh chế tài theo hướng tăng nặng đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm, điều đặc biệt quan trọng là phải xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, đồng lõa hoặc tiếp tay cho hành vi hủy hoại môi trường để làm gương. Chỉ có như vậy mới không còn những Vedan, Formosa nào khác.
Chỉ có hành động quyết liệt, từ bỏ ý định thu hút đầu tư bằng mọi giá, tương lai của chúng ta mới không bị đánh cắp!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.