(HNM) - Giá xăng bất ngờ tăng 2.100 đồng/lít; các loại dầu tăng từ 600 đồng đến 2.000 đồng/lít... gây hoang mang cho người tiêu dùng vốn đã phải thắt chặt chi tiêu trong thời buổi khó khăn này.
Tuy nhiên, có thể thấy đây là việc làm bất khả kháng bởi xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới. Thế nhưng những biến động trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua và cả hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra sau mỗi lần tăng giá mặt hàng thiết yếu này là điều rất đáng phải suy nghĩ. Rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ "té nước theo mưa", tăng giá hàng hóa, dịch vụ, tạo thêm khó khăn cho người dân.
Nguyên nhân tăng giá xăng dầu không mới. Có thể nói, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp bình ổn giá. Trong bối cảnh các giải pháp tài chính khác không còn: thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, giá xăng dầu thế giới vẫn tăng cao thì việc điều chỉnh giá trong nước là không tránh khỏi. Theo Bộ Tài chính, "nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tùy theo từng mặt hàng và từng nước, khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía nam diễn ra rất phức tạp"…
Không chỉ Việt Nam, nhiều nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Pháp… cũng đang lao đao khi giá "vàng đen" lên cao ngất ngưởng cùng những cơn biến động chính trị xoay quanh "vũng dầu" thế giới. Hội nhập sâu rộng với thế giới, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nhiều hơn từ những biến động thị trường quốc tế. Do vậy, đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân cần chia sẻ với Chính phủ trong những trường hợp tăng giá bất khả kháng này. Có điều, tại sao lại có không ít doanh nghiệp ngừng bán xăng trong những ngày qua? Họ nhanh nhạy hơn trong dự báo thị trường hay do công tác quản lý, tổ chức thị trường có vấn đề? Có bao nhiêu doanh nghiệp "hốt bạc" trong đợt găm hàng này? … Đây là vấn đề cần được nhận diện một cách nghiêm túc.
Vấn đề quan trọng hơn là mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều phải chịu tác động tiêu cực của giá xăng dầu. Mỗi lần điều chỉnh giá như vậy, như một hiệu ứng, đầu tiên là ngành vận tải, rồi đến các ngành sản xuất, kinh doanh… tăng giá các mặt hàng để bù vào chi phí sản xuất. Giá cả hàng hóa tại siêu thị như sữa, đồ uống... cũng tăng theo. Trong khi đó, các mặt hàng tham gia vào chương trình bình ổn không thể bán với mức giá cũ. Chưa kể sẽ có nhiều doanh nghiệp "té nước theo mưa", lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng để tăng vô tội vạ giá bán, làm khổ người tiêu dùng trong khi mặt bằng lương và giá tiếp tục khấp khểnh.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế và phụ thuộc vào giá tăng, giảm của thế giới nên tăng giá vào thời điểm này là việc không tránh khỏi. Trong bối cảnh hiện nay, người dân có thể chia sẻ với Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt để quản lý thị trường, tránh gây thêm hệ lụy cho cuộc sống của người dân. Trước hết là kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải. Đồng thời có những chế tài nghiêm khắc với các doanh nghiệp tự ý tăng giá hay tăng giá cao hơn so với mức quy định để tránh tình trạng "nước đục thả câu" như những lần xăng dầu tăng giá trước đây…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.