(HNM) - Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng cửa, nay hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn, trong đó thiệt thòi, vất vả nhất là giáo viên. Đồng hành, chia sẻ, không để nhà giáo nào, dù công tác ở trường công lập hay ngoài công lập bị bỏ lại phía sau là tinh thần của ngành Giáo dục Thủ đô, với nhiều giải pháp đang tích cực được triển khai, giúp nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Công việc vất vả
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa cho biết, phần lớn giáo viên của trường tuổi đời còn trẻ, thu nhập chưa cao, lại cư trú ở địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô đều rất tận tâm, trách nhiệm. Từ đầu năm học đến nay, đội ngũ giáo viên của trường, nhất là giáo viên lớp 1 và lớp 2 rất vất vả để vừa dạy bài mới, vừa rà soát, bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu hụt trong thời gian học trực tuyến.
Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Phương Hoa, đây chính là những học sinh có nhiều thiệt thòi nhất, trong đó học sinh lớp 1 thì gần như nghỉ ở nhà suốt thời gian học mẫu giáo; học sinh lớp 2 phải học trực tuyến gần hết năm lớp 1. Giáo viên tận dụng tối đa thời gian học 2 buổi/ngày ở trường của học sinh, đồng thời sẵn sàng phối hợp với phụ huynh để trợ giúp ngoài giờ.
Mầm non là cấp học khó khăn nhất hiện nay, công việc của giáo viên nhiều áp lực, thời gian làm việc liên tục từ 9 đến 10 tiếng/ngày, trong khi thu nhập chưa tương xứng.
Khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho thấy, 60-70% giáo viên mầm non có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người chỉ có mức hơn 3 triệu đồng/ người/tháng. Đến nay, hầu hết các cơ sở mầm non đã mở cửa trở lại, song số trẻ đến trường chưa ổn định, nhiều cơ sở còn nợ tiền nhà, học phí lại không thể tăng, nên đời sống của giáo viên chưa thể cải thiện.
Đồng hành vượt khó
Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo đối với chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng hành vượt khó, giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.
Là địa bàn có quy mô giáo dục lớn, đáng chú ý là số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập nhiều hơn công lập, trong 2 năm qua, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung, giáo viên ngoài công lập nói riêng được quận Cầu Giấy đặc biệt quan tâm. “Toàn quận có 99 trường, trong đó có 59 trường ngoài công lập và có 124 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục. Đã có hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên (phần lớn là giáo viên) được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, quận Cầu Giấy còn hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 80 chủ nhóm lớp mầm non độc lập tư thục. Quận còn chú trọng việc tạo bình đẳng trong hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cũng như triển khai, đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đó, giáo viên ngoài công lập nếu đạt các danh hiệu thi đua, có thành tích tốt…, được quận dành ngân sách khen thưởng với mức tương tự như giáo viên công lập”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh thông tin.
Quận Thanh Xuân hiện có 79 trường học và 134 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Là quận có tốc độ gia tăng học sinh hằng năm lớn, Thanh Xuân xác định việc quan tâm đến giáo viên, không để bất cứ nhà giáo nào bị bỏ lại phía sau là giải pháp quan trọng để giữ vững vị thế là một trong số các đơn vị dẫn đầu thành phố về chất lượng giáo dục. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, đã có hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên, được hỗ trợ để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Cùng với đó, rà soát, xác định có 800 trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19...
Xây dựng trường học hạnh phúc, quan tâm đến giáo viên có hoàn cảnh khó khăn là mục tiêu, cũng là giải pháp mà Trường Mẫu giáo số 9 (quận Ba Đình) đang thực hiện, nhằm tạo động lực, gắn kết các thành viên, tránh hiện tượng giáo viên nghỉ việc. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 9 Hoàng Thị Minh Thu chia sẻ, trường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức chuyên đề bồi dưỡng hằng tháng; nắm bắt và giải tỏa kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhất là với giáo viên trẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ đồng lòng nỗ lực vượt qua giai đoạn trước mắt…
Bên cạnh việc triển khai các chính sách của Nhà nước, thành phố, từ đầu năm học đến nay, các quận, huyện, thị xã và các trường học đều có biện pháp hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, giúp giáo viên yên tâm với công việc. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để bảo đảm đời sống cho đội ngũ giáo viên, giải quyết dần tình trạng giáo viên nghỉ việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.